So với các nước trong khu vực, các DN Việt Nam đang khá nặng gánh thuế

So với các nước trong khu vực, các DN Việt Nam đang khá nặng gánh thuế

Doanh nghiệp lo bị “tăng thuế kép”

(ĐTCK) “Các DN lo ngại trước một số nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang trình Quốc hội xem xét thông qua, vì có nguy cơ “tăng thuế kép”, làm tăng nghĩa vụ nộp thuế của DN”, ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho hay.

“Sửa thế này là bất hợp lý…”

Khi trình bày trước Quốc hội ngày 22/3 Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, việc quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ (%) giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra là đảm bảo minh bạch.

Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định ngay trong Dự thảo Luật: giá bán đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước bán ra không được thấp hơn 7% so với giá bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Trường hợp bán thấp hơn quy định nêu trên tức là các DN đã có dấu hiệu chuyển giá để trốn thuế, cơ quan thuế sẽ có thẩm quyền ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, do mỗi loại hàng hoá có mức giá dao động, tính chất khác nhau, nên để đảm bảo tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ căn cứ vào tính chất của hàng hóa để quyết định mức tỷ lệ cụ thể cho phù hợp với thực tiễn.

Chưa đồng tình với hướng sửa đổi trên, đại biểu Đỗ Văn Vẻ lập luận cần thống nhất nguyên tắc giá tính thuế được tính từ khâu đầu tiên. Nghĩa là với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế là giá mà cơ sở sản xuất bán ra thị trường. Đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế nên là giá mà cơ sở nhập khẩu bán ra thị trường.

“Nhiều loại hàng hóa có chi phí lưu thông rất khác nhau, nên áp dụng chung một mức trần 7% là thấp, bất hợp lý. Mặt khác, chẳng hạn như mặt hàng rượu, bia, nhà sản xuất bán cho cơ sở thương mại theo giá ghi trên hợp đồng kinh tế, nhưng vào dịp lễ, tết, các cơ sở thương mại tăng giá bán, khi đó nếu theo hướng sửa của luật, thì các DN sản xuất sẽ phải nộp thêm thuế. Như thế thì không ổn, không khéo tăng thuế kép với DN…”, ông Vẻ quan ngại. 

Cũng chưa tán đồng với hướng điều chỉnh của Dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt câu hỏi, tại sao là 7%, mà không phải là 5% hay 10%?

“Tôi chưa thấy báo cáo giải trình nói rõ cơ sở khoa học của việc chọn mức 7%. Cơ sở kinh doanh thương mại thường hoạt động không ổn định, giá bán hàng hóa không chính xác, nên căn cứ vào đối tượng này để xác định giá bình quân là khó khả thi, nên cần làm rõ các vấn đề này”, ông Đồng đề nghị. 

Tăng mức phạt lên 0,04%/ngày là quá nặng

Một nội dung khác cũng còn ý kiến trái chiều là tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế. Theo ông Phùng Quốc Hiển, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giảm mức phạt chậm nộp xuống 0,03%/ngày (tương đương 10,95%/năm) là thấp, nên đề nghị tính bằng lãi vay quá hạn của ngân hàng nhằm tránh DN cố tình chây ỳ, không chịu nộp thuế. Một số ý kiến đề nghị giảm mức phạt từ 0,05%/ngày xuống 0,04%/ngày hoặc 0,02%/ngày...

Từ những ý kiến trái chiều trên, ông Hiển cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu xin Quốc hội cho phép điều chỉnh quy định mức phạt chậm nộp là 0,04%/ngày thay vì 0,03%/ngày như Dự thảo luật đã trình Quốc hội”.

Không đồng tình với hướng sửa trên, ông Vẻ đề xuất: “Chỉ nên áp dụng mức phạt chậm nộp 0,03%/ngày, chứ 0,04%/ngày là quá sức chịu đựng đối với DN. Khi DN vi phạm bị phạt chậm nộp, vậy cán bộ, cơ quan thuế sai phạm thì sao? Để đảm bảo công bằng, sòng phẳng, tôi đề nghị Quốc hội bổ sung vào luật quy định cán bộ thuế, cơ quan thuế có sai phạm phải trả lãi cho người nộp thuế trong trường hợp thu thừa thuế, chậm hoàn thuế”.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng, áp dụng mức phạt chậm nộp 0,03%/ngày là hợp lý. Cần phân biệt các đối tượng chậm nộp thuế thành có tiền nhưng cố tình chây ỳ không nộp, hay không có tiền để có biện pháp hợp lý. Cần tránh giải pháp cào bằng dẫn đến cơ quan thuế “lười” áp dụng các biện pháp thu nợ thuế, mà chỉ chờ chậm nộp để phạt.

Trước nhiều ý kiến như trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trước khi hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11 này.               

Tin bài liên quan