Thâm nhập thị trường khó tính
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) liên tiếp đón nhiều chuyến tàu nước ngoài cập Cảng tổng hợp Long Sơn Bãi Ngọc để tiếp nhận xi măng, xuất khẩu tới thị trường Mỹ.
Mới nhất, ngày 20/2/2024, chỉ sau ít hôm đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 1 lô xi măng sang Mỹ.
Trước đó, ngày 13/12 năm ngoái, 1 lô hàng xi măng Long Sơn cũng được xếp lên tàu MV GUO QIANG 8, một chuyến hàng khác được xếp lên tàu MV NORD BOSPORUS hôm 4/1/2024, điểm đến cũng là Mỹ.
Mỹ là một thị trường khó tính, nhưng thời gian gần đây, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp xi măng ký kết được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này, điển hình như Nghi Sơn, Hà Tiên, Thành Thắng, Xuân Thành...
Năm ngoái, doanh nghiệp thuộc Vicem là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên và Xi măng Nghi Sơn đã xuất lô hàng đầu tiên sang Mỹ.
Việc xi măng Long Sơn cùng các doanh nghiệp khác liên tục xuất hàng đi Mỹ đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược đưa sản phẩm xi măng sản xuất tại Việt Nam đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có những thị trường tiêu chuẩn khắt khe.
Năm 2024, xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa hồi phục, đồng thời Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng Việt Nam, điển hình là Philippines, Bangladesh. Bên cạnh đó, Philippines vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam), cộng với cạnh tranh tại Trung Đông và Đông Nam Á...
“Ngành xi măng đang mất cân đối cung - cầu cực lớn. Quy mô công suất khoảng 120 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất có thể cao hơn nhiều con số này, tiêu thụ nội địa vài năm gần đây chỉ quanh 60 triệu tấn, tức đang dư cung một nửa. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất sẽ đẩy mạnh xuất khẩu ở mức cao nhất, miễn sao tiêu thụ được hàng, tránh cảnh tồn kho, thậm chí, giá xuất khẩu chỉ cần bù đắp được biến phí cũng được doanh nghiệp chấp nhận”, một chuyên gia trong ngành nhận xét.
Để ý kỹ sẽ thấy, phần lớn đơn hàng xi măng đi Mỹ chỉ ở tầm vài chục ngàn tấn. Chẳng hạn, tháng 7/2023, lô hàng của Xuân Thành đi Mỹ chỉ 55.000 tấn, hay trong tháng 5/2023, Nghi Sơn xuất bán 31.500 tấn xi măng đi Mỹ…
Một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ thời gian trước đó cũng có điểm chung là sản lượng nhỏ, quanh mức 30.000-50.000 tấn mỗi chuyến.
Với các nhà sản xuất, hiệu quả nhất vẫn là bán trong nước, khoảng cách vận chuyển càng gần càng hiệu quả. Nhưng sản lượng dư thừa, nhiều năm qua các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu, năm cao điểm 2021 đã xuất khẩu thành công gần 46 triệu tấn xi măng và clinker, nhưng 80% sản lượng được xuất đi các thị trường gần là Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Đài Loan và một số nước Trung Đông…
Một doanh nghiệp thương mại tại phía Bắc, mỗi năm đồng hành cùng các nhà sản xuất trong ngành này xuất khẩu vài triệu tấn xi măng cho hay, những thị trường xa như Mỹ, Tây Phi… có nhu cầu nhập xi măng Việt Nam, dù chỉ vài chục ngàn tấn và lợi nhuận thấp, nhưng doanh nghiệp vẫn bán. Do ngành xi măng đang dư thừa quá lớn, doanh nghiệp không thể “kén chọn” đơn hàng ít hay nhiều, quan trọng là hàng đã sản xuất ra có địa chỉ tiêu thụ và cân đối được chi phí, duy trì hoạt động.
Hy vọng xuất khẩu vào khu vực Trung Nam Mỹ
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 31,3 triệu tấn clinker và xi măng, thu về hơn 1,32 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng, giảm 4,1% về trị giá so với năm 2022, đánh dấu năm thứ 2 xuất khẩu sụt giảm rất mạnh (khoảng 14 triệu tấn so với năm cao điểm 2021).
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu nhiều xi măng và clinker sang thị trường Philippines, chiếm tỷ trọng 27% về kim ngạch xuất khẩu, thứ hai là Bangladesh (17%) và thứ ba là Malaysia (5,2%).
Nhưng sự sụt giảm này không khiến các doanh nghiệp trong ngành bất ngờ.
Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho hay, không chỉ giảm mạnh về sản lượng, giá xuất khẩu xi măng, clinker cũng đi xuống. Đơn cử, giá xuất khẩu xi măng, clinker (FOB Quảng Ninh) giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, giá xi măng giảm 5-6 USD/tấn, clinker giảm 9-10 USD/tấn.
“Giá xuất khẩu sản phẩm xuống quá thấp, dẫn tới một số doanh nghiệp thành viên của Vicem không thể xuất khẩu do giá thu về không bù đắp được biến phí”, ông Khánh nói.
Bước sang năm 2024, tình hình xuất khẩu cũng chưa sáng sủa hơn. Vicem dự báo, sản lượng xuất khẩu cùng lắm chỉ tăng 1,5-2% do cạnh tranh nguồn xuất từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước trong khu vực.
Quan trọng nhất là thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi trong năm 2024, dẫn đến tiếp tục dư thừa xi măng trong nước. Trung Quốc dự báo là quốc gia xuất khẩu cạnh tranh trực diện với Việt Nam vào các thị trường chủ lực Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi.
Trong khi đó, Bangladesh nhập khẩu clinker chủ yếu từ Pakistan và Indonesia, với lợi thế về cước vận chuyển, cạnh tranh về giá bán.
Philippines với nhu cầu nhập khoảng 7 triệu tấn xi măng/năm, nhưng dự báo giảm nhập từ Việt Nam mà chuyển sang các nhà cung ứng Indonesia và Trung Quốc.
Ông Lương Quang Khải, chuyên gia ngành xi măng cho rằng, thị trường Mỹ tuy vẫn có nhu cầu nhập khẩu xi măng, nhưng đây không phải điểm đến tiêu thụ lý tưởng của ngành do sản lượng xuất khẩu từ trước tới nay còn khiêm tốn. Chưa kể, xi măng Việt Nam cũng khó cạnh tranh với nguồn xi măng Thổ Nhĩ Kỳ khi đưa vào bờ Đông nước Mỹ.
Điểm sáng của kênh xuất khẩu là thị trường Trung Nam Mỹ, dự báo sẽ tăng trưởng do một số nước nhập khẩu trong khu vực này được lợi khi nhập xi măng từ Việt Nam, tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mức thuế 0%.