Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu có kim ngạch hơn 500 triệu USD/năm, nhưng Minh Phú chịu tác động rất lớn của biến động tỷ giá.
Lý do là doanh nghiệp phải nhập khẩu đầu vào không ít, từ thức ăn cho tôm, bao bì, phụ gia chế biến… Trong khi đó, từ quý II trở lại đây, các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam đang có nhiều lợi thế bởi đồng nội tệ của họ mất giá mạnh so với USD.
Đồng thời, các nước như Indonesia, Ấn Độ trúng mùa, năng suất đạt rất cao. Để cạnh tranh trên thị trường thế giới, dù giá đầu vào tăng, Minh Phú không thể tăng giá bán ra tương ứng. Do vậy biên lợi nhuận giảm.
Dẫu vậy, Minh Phú có thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác là có nguồn thu ngoại tệ lớn nên có thể sử dụng vay hoán đổi VND với lãi suất USD. Như vậy áp lực chi phí tài chính không quá nặng nề và tiết kiệm được một khoản phí đáng kể.
Nhìn nhận những biến động về tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, PV Power có nhu cầu ngoại tệ để trả nợ vay đối với các khoản vay vốn đầu tư nhà máy điện, trong khi đó, nguồn thu từ bán điện chủ yếu bằng VND, do đó, PV Power sẽ phải đối mặt với vấn đề về biến động tỷ giá ngoại tệ đang diễn ra hiện nay.Đồng tiền của các nước Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi… đều mất giá mạnh (10 - 30%). Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, VND được dự kiến mất giá 2 - 3%/năm, thay vì phá giá tiền tệ vượt mức cam kết (2%).
Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2018 (từ 1/7/2018 - 31/12/2018, giai đoạn PV Power hoạt động theo mô hình công ty cổ phần), lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ ước đạt 800 tỷ đồng đã bao gồm dự báo tỷ giá tăng 2% và cứ tăng thêm mỗi 1% thì lợi nhuận sẽ giảm thêm 1 khoản là 88,4 tỷ đồng.
Với tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu đối với các nhà máy điện của PV Power tới thời điểm 30/6/2018 là 44% vốn vay, 56% vốn chủ sở hữu, nhiều Công ty chứng khoán đánh giá PV Power có thể “chống đỡ” được các tiêu cực từ biến động tỷ giá và lợi nhuận không bị “bào mòn” nặng nề như các doanh nghiệp có vay nợ ngoại tệ lớn khác.
“Nếu tỷ giá tăng 1% so với tỷ giá tại thời điểm 30/6/2018 thì đã nằm trong tính toán của PV Power, trường hợp tỷ giá tăng 1,5% so với tỷ giá tại 30/6/2018 thì chênh lệch tỷ giá là khoảng 44,2 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng không nhiều đến lợi nhuận của PV Power”, lãnh đạo của Tổng công ty đánh giá.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng “buông” giải pháp phòng ngừa như PVPower. Lãnh đạo Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đã quyết định trả nợ vay trước hạn theo Hợp đồng vay vốn tín dụng ECA giữa nhóm cho vay là các Ngân hàng BNP Parisbas, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Credit Agricole.
Đạm Cà Mau đã trả nợ trước hạn (23/7/2018) là 50 triệu USD, và hành động này ngay lập tức đã giúp Công ty tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá khi thị trường ngoại tệ biến động mạnh.
Trong kế hoạch kinh doanh nửa cuối năm và xa hơn là năm 2019, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ các biến động tỷ giá và có kịch bản ứng phó chủ động.
Ông Phạm Thế Anh, Nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, căng thẳng thương mại và rủi ro “chiến tranh” tiền tệ sẽ ở mức cao.
Xu hướng bảo hộ thương mại và bất ổn chính sách gia tăng khiến các nước đang phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy phá giá tiền tệ (vừa bị động vừa chủ động).
Thực tế vừa qua cho thấy, đồng tiền của các nước Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi… đều mất giá mạnh (10 - 30%).
Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, VND được dự kiến mất giá 2 - 3%/năm, thay vì phá giá tiền tệ vượt mức cam kết (2%), Ngân hàng Nhà nước có thể lựa chọn hạn chế tăng trưởng tín dụng hoặc tăng lãi suất điều hành.
Đây là định hướng chính sách các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ để lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2019.