Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn đang bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn đang bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp lại kiến nghị khẩn cấp về hoàn thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ đầu tư An Phát lại có đơn kiến nghị khẩn cấp liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với các hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn.

“Chúng tôi xin cung cấp Hợp đồng mua bán xuất khẩu, hóa đơn thương mại, tờ khai hải quan, chứng từ chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng đứng tên các đối tác, khách hàng nước ngoài. Những chứng cứ này có đủ cơ sở, tính pháp lý của Hợp đồng mua bán này là có hiệu lực hay không có hiệu lực?

Hay Bộ Tài chính, cơ quan Thuế chỉ căn cứ vào lời khai của đối tác, khách hàng Trung Quốc, Cơ quan thuế Trung Quốc trả lời cho Cơ quan thuế Việt Nam rồi kết luận hợp đồng mua bán này là giả tạo hay vô hiệu”, Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ đầu tư An Phát (Công ty An Phát) gửi kèm các chứng cứ và đặt vấn đề trong đơn kiến nghị ký gửi ngày 4/11/2023.

Đơn được gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi tới các cơ quan của Quốc hội, gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Trong đơn, Công ty An Phát nhắc đến câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lý do chậm hoàn thuế VAT đưa ra tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 ngày 2/11/2023.

Trả lời trên nghị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói: “Chúng tôi đã xác minh ở nước ngoài là cơ quan thuế của nước ngoài bảo không tồn tại doanh nghiệp này, có nghĩa là hợp đồng bị vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không hoàn được”.

Cũng trong kiến nghị khẩn cấp vừa gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Công ty An Phát viện dẫn các quy định tại Luật Thuế Giá trị gia tăng quy định về các trường hợp hoàn thuế, hồ sơ hoàn thuế, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế...

“Theo quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế, Công ty An Phát đủ điều kiện được tính thuế theo phương pháp khấu trừ và thuộc đối tượng hoàn thuế theo trường hợp xuất khẩu hàng hóa. Việc khấu trừ thuế VAT đầu vào không quy định phải xác minh nghĩa vụ kê khai thuế của đối tác mua hàng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”, Công ty khẳng định.

Điều Công ty cảm thấy không rõ, phải đặt tiếp câu hỏi vẫn là tại sao Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế phải đi xác minh, mà quên đi trách nhiệm của Tổng cục Hải quan?

“Trong hồ sơ hoàn thuế VAT luôn lấy hồ sơ hải quan là tiêu chí số 1 về vấn đề thực xuất và hàng hóa đã thông quan, vậy vai trò của Tổng cục Hải quan trong việc này ở đâu?”, Công ty gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Công ty cũng bày tỏ quan điểm, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần không liên quan gì đến đề nghị hoàn thuế VAT của Công ty, vì thuế VAT đề nghị hoàn của Công ty phát sinh nằm trọn trong lãnh thổ Việt Nam, không nằm trong doanh thu xuất khẩu Công ty thu về. Các đơn vị bán hàng cho Công ty đều kê khai thuế tại Việt Nam đầy đủ đúng quy định, không có yếu tố nước ngoài.

“Chúng tôi yêu cầu Bộ trưởng Tài chính cùng Tổng cục Thuế tôn trọng và thượng tôn pháp luật đối với Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế hiện hành. Yêu cầu Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội hoàn trả ngay số thuế đề nghị hoàn và số tiền lãi theo quy định của Luật Quản lý thuế cho Công ty An Phát kịp thời”, Công ty An Phát kiến nghị cụ thể trong đơn.

Thông qua báo chí, Công ty chúng tôi được biết trong Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội gửi Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, có nội dung: “Khi làm việc tại Cục Thuế Lạng Sơn về các trường hợp xuất khẩu tinh bột sắn, Đoàn giám sát được biết các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng cho rằng, tổ chức tín dụng của Trung Quốc ở biên giới có tồn tại một tài khoản chung để các cá nhân có thể thanh toán cho phía Việt Nam. Hiện nay, biên giới phía Bắc đã có hàng rào đầy đủ và mặt hàng tinh bột sắn có khối lượng lớn, giá trị thấp, thời hạn sử dụng ngắn, nên trên thực tế khả năng hàng hoá xuất đi rồi quay lại nội địa qua các đường mòn lối mở là thấp...

Tại sao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không căn cứ vào tình hình thực tế và ý kiến của chính cơ quan thuế các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, hoàn thuế cho doanh nghiệp?

(Trích đơn kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ đầu tư An Phát ngày 4/11/2023).

Tin bài liên quan