Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập và gia nhập thị trường trong quý I tăng cả về số lượng và tổng vốn đăng ký. Cụ thể, trong quý, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271.200 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký trong quý I tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước phải kể đến như kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ việc làm, du lịch.
Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế và những dấu hiệu khởi sắc từ những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh khiến doanh nghiệp vững tin gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm lưu ý một thực tế là dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng trưởng mạnh, song tỷ lệ cơ cấu đóng góp vẫn chưa đáng kể, do chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
“Trong tổng số 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2016, có 98.757 doanh nghiệp đi vào hoạt động, chiếm 89% trong tổng số doanh nghiệp thành lập. Nhưng tỷ trọng cơ cấu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng vì đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, chỉ có khoảng 13% đi vào sản xuất hàng hoá. Cơ cấu này cũng tương tự trong quý I/2017, nên dù số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng chưa tạo sự bứt phá của nền kinh tế”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, điều đáng mừng là cùng với sự tăng mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I năm nay, thì số doanh nghiệp mới gia nhập và mở rộng quy mô vốn trong khu vực kinh tế quan trọng này cũng gia tăng tích cực.
Đa phần đây là các doanh nghiệp FDI sản xuất - kinh doanh hiệu quả và tham gia vào hoạt động xuất khẩu, do đó, góp phần đáng kể trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho nước ta trong quý I/2017. Đây được coi là một điểm sáng rất đáng ghi nhận trong bức tranh hoạt động doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm.
Cùng với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê vừa thực hiện cho thấy, các doanh nghiệp khá lạc quan và tin tưởng vào triển vọng kinh doanh năm nay.
Cụ thể, ông Phạm Đình Thúy cho biết, có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 41,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định, trong khi chỉ có 24,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự báo về triển vọng kinh doanh trong quý II, có 57,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 32,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định, chỉ có 9,8% số doanh nghiệp cho rằng sẽ khó khăn hơn.
Cũng theo kết quả khảo sát, có 35,2% số doanh nghiệp cho biết khối lượng sản xuất trong quý I năm nay tăng so với quý trước; 39,2% số doanh nghiệp cho biết ổn định, trong khi 25,6% số doanh nghiệp cho biết khối lượng sản xuất giảm. Đánh giá xu hướng quý II so với quý I, có 58,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 33,5% số doanh nghiệp dự báo ổn định, chỉ có 8,3% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có đơn đặt hàng và đơn hàng xuất khẩu quý I tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước đạt 31%; trong khi số doanh nghiệp có đơn hàng ổn định đạt 46,1%. Số doanh nghiệp có tỷ lệ đơn đặt hàng thấp hơn chiếm tỷ lệ 22,9%.
Xu hướng quý II được các doanh nghiệp nhận định sẽ khả quan hơn so với quý I, với 51,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn và 40,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Đa phần doanh nghiệp được khảo sát đều dự kiến chi phí sản xuất trong quý tới ổn định và có xu hướng giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký trong quý I tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước gồm kinh doanh bất động sản tăng 55% về số lượng và tăng 31,1% về vốn đăng ký; giáo dục và đào tạo tăng tương ứng 28% và tăng 79,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 26,3% và tăng 50,1%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 15,8% và tăng 21,9%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 14,8% và tăng 136,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,1% và tăng 75,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,8% và tăng 123,6%; thông tin và truyền thông tăng 6,2% và tăng 67,2%...