Việc tạo lập các chuỗi nông, lâm, thủy sản có giá trị thương phẩm cao sẽ tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp.

Việc tạo lập các chuỗi nông, lâm, thủy sản có giá trị thương phẩm cao sẽ tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp.

Doanh nghiệp là hạt nhân của chuỗi giá trị nông sản Việt

Xây dựng chuỗi giá trị được xác định là “chìa khoá vàng” cho phát triển nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt và có vai trò hạt nhân liên kết các chủ thể.

Doanh nghiệp đầu tàu đóng vai trò dẫn dắt

“Thực tế đã chứng minh, trong thời kỳ khủng hoảng, nông nghiệp lại là ngành cứu cánh cho nền kinh tế”, nữ doanh nhân Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH khẳng định tại Phiên tổng thể của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra cuối tuần qua.

Trước những thách thức của ngành nông nghiệp như an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và mục tiêu hướng tới xuất khẩu, bà Thái Hương đề xuất mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ coi mục tiêu “tạo lập các chuỗi nông, lâm, thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm” là một trong những mục tiêu trọng tâm tới năm 2025 để tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp.

Theo đó, cần tập trung thực hiện thành công dự án thí điểm hình thành, phát triển một số chuỗi nông, thủy sản có thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu như chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc; chuỗi tôm xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU; chuỗi rau củ quả có chế biến sâu để dần làm chủ các thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Nhật Bản...

Nhà sáng lập Tập đoàn TH cũng đề xuất, một trong những việc cần làm trước mắt là các cơ quan chức năng, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp đầu tàu phân tích lại các thị trường mục tiêu, trọng tâm cho từng lĩnh vực, nhóm sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị với mục tiêu cụ thể là chinh phục các thị trường này.

Tiếp theo, các cơ quan chức năng sớm triển khai ngay việc số hóa, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp; đồng thời, nhận diện rõ nhóm các doanh nghiệp đầu tàu ngành nông nghiệp, xây dựng cơ chế, chính sách cần thiết nhằm tạo động lực phát triển nhóm doanh nghiệp này để dẫn dắt sự phát triển chung.

Bà Hương cũng cho rằng, để kích thích phát triển các chuỗi hàng hóa khép kín đối với nông, lâm, thủy, hải sản có giá trị, chất lượng cao, phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, cần xây dựng và giám sát bộ tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế. Từ đó, doanh nghiệp sẽ thí điểm việc kết nối một số chuỗi giá trị gắn với thị trường mục tiêu, làm trụ cột dẫn dắt nông dân phát triển theo chuẩn khép kín.

Cùng quan điểm với bà Thái Hương, với kinh nghiệm của một doanh nghiệp đầu tiên sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, khép kín được chuỗi sản xuất, hỗ trợ được các chủ thể trong chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh chuỗi liên kết

Đề cập chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính liên kết của các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp thời gian vừa qua có bước tiến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp hiện đại; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết.

Theo ông Thịnh, tỷ lệ 11 - 14% sản lượng nông nghiệp thông qua liên kết hiện nay là quá nhỏ. Với hàng chục triệu héc-ta đất nông nghiệp trên cả nước, tiềm năng liên kết trong nông nghiệp còn rất lớn.

Để đẩy mạnh hơn quá trình liên kết, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trước tiên, cần xác định thị trường cần gì để sản xuất gắn với tiêu thụ.

“Bán cho thị trường thế giới không phải đơn giản, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc... phải đảm bảo mới tiêu thụ được. Chúng ta tự hào có 10.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp. Yêu cầu tiếp theo là phải liên kết được 10.000 doanh nghiệp này với khâu sản xuất của 8,6 triệu hộ nông dân thông qua 50.000 hợp tác xã. Tới đây, sẽ có biện pháp mạnh mẽ thu hút thêm doanh nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Khẳng định doanh nghiệp là hạt nhân của liên kết tạo chuỗi giá trị nông sản Việt, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, câu chuyện phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn cần sự vào cuộc chung của cả ba trục. Trục thứ nhất là, các bộ, ngành hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Trục thứ hai là, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Trục thứ ba là định hướng sản xuất của 8,6 triệu hộ nông dân liên kết chặt chẽ với hợp tác xã và doanh nghiệp.

Tin bài liên quan