Doanh nghiệp kỳ vọng trái phiếu Chính phủ hạ nhiệt

Doanh nghiệp kỳ vọng trái phiếu Chính phủ hạ nhiệt

Ngân hàng sẽ chú trọng kiếm lợi nhuận trong hoạt động cho vay, nới lỏng các tiêu chí để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, nếu kênh đầu tư trái phiếu bớt sôi động.

Trong những tháng đầu năm, thị trường trái phiếu đã chứng kiến sự bứt phá của trái phiếu Chính phủ. Theo nguồn tin từ Kho bạc nhà nước, kế hoạch huy động vốn trong nước thông qua phát hành tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Chính phủ năm 2012 là 100.000 tỷ đồng.

 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính có Quyết định số 1797 giao bổ sung cho Kho bạc nhà nước thực hiện huy động thông qua phát hành tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Chính phủ là 20.000 tỷ đồng với mục đích bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Tổng cộng, cả năm dự kiến nguồn huy động của Chính phủ qua thị trường trái phiếu sẽ đạt 120.000 tỷ, gần xấp xỉ bằng với mức bội chi ngân sách của cả năm 2012 đã được Quốc hội phê duyệt là 140.200 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước.

 

Nếu không tính chỉ tiêu mà Chính phủ giao Kho bạc nhà nước thực hiện huy động bổ sung, chỉ căn cứ trên kế hoạch trước đó, thì tính đến ngày 25/7, trái phiếu Chính phủ (bao gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) đã huy động về 67.482 tỷ đồng, bằng 95,8% năm 2011 (Nguồn: Bộ Tài chính).

 

Tuy nhiên, theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), con số này còn đạt giá trị cao hơn. Thống kê của tổ chức này cho hay 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng huy động trúng thầu từ trái phiếu Chính phủ đã đạt tới 87.464 tỷ đồng, vượt qua khối lượng trúng thầu của cả năm 2011 là 81.716 tỷ đồng.

 

Còn theo Kho bạc nhà nước, tính từ đầu năm tới tháng 7, cơ quan này đã huy động tổng số hơn 74.482 tỷ đồng, đạt 74% so với kế hoạch được giao và đạt 62% so với kế hoạch điều chỉnh là 120.000 tỷ đồng, đạt 149% so với cùng kỳ của năm 2011 (trong đó Kho bạc nhà nước huy động 54.824 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển huy động 19.960 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động 12.680 tỷ đồng).

 

Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp của trái phiếu Chính phủ cũng không chịu kém cạnh thị trường sơ cấp về sự sôi động và tăng trưởng. Cũng theo HNX, tính đến ngày 30/6, giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ trong 6 tháng đầu năm đạt 124,55 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40,6% so với mức 88,6 nghìn tỷ đồng của cả năm 2011.

 

Đóng góp vào không khí sôi động của thị trường trái phiếu Chính phủ, đã xuất hiện nhân tố nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường sâu hơn so với thời gian trước. Trong các tháng đầu năm, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19.100 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 20% giá trị giao dịch toàn thị trường. Tuy đây chưa phải là một nhân tố có vai trò chủ đạo trong xu hướng giao dịch của thị trường và có ý nghĩa lớn đối với giá trị giao dịch trên toàn thị trường, nhưng điều này phần nào cho thấy hoạt động giao dịch trái phiếu Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư quốc tế.

 

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, mặc cho các kênh huy động vốn đều gặp khó khăn ở cả đầu vào lẫn đầu ra và giao dịch thứ cấp kém sôi động, thì thị trường trái phiếu Chính phủ đã có sự tăng trưởng vượt bậc về cả giá trị và quy mô giao. Trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, được các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế ưu tiên lựa chọn.

 

 Doanh nghiệp kỳ vọng trái phiếu Chính phủ hạ nhiệt ảnh 1

 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan là sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường trái phiếu Chính phủ thời gian qua, có sự tham gia không nhỏ của các tổ chức lớn, chính là các ngân hàng.

 

Diễn biến nền kinh tế vĩ mô trong quý I với lạm phát giảm nhanh, sức mua yếu đi và đặc biệt tăng trưởng tín dụng âm đã khiến Ngân hàng Nhà nước hướng đến thực thi nới lỏng chính sách tiền tệ. Một loạt các quyết định chính sách liên tục từ cuối quý I với mục tiêu tập trung là quyết liệt giảm lãi suất đã giúp các ngân hàng cải thiện thanh khoản đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Chính sự dồi dào về thanh khoản trong lúc tăng trưởng tín dụng không có đường ra của hệ thống ngân hàng đã khiến các tổ chức này chọn trái phiếu Chính phủ làm nơi gửi vốn.

 

Theo nhận định của bộ phận phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất cho vay và các mức lãi suất chính sách được điều chỉnh giảm với biên độ mạnh cũng là một tham chiếu quan trọng cho các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, cả sơ và thứ cấp. Trong khi lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại nay và Ngân hàng Nhà nước thậm chí phải phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, đồng thời tín phiếu lại trở thành nguồn tài sản giấy tờ có giá đảm bảo để các ngân hàng thương mại có thể gia tăng huy động vốn nếu cần gia cố thanh khoản từ nguồn tái cấp vốn.

 

Mặt khác, lãi suất trên thị trường mở OMO cũng xuống rất thấp với số dư đã giảm mạnh từ mức gần 80 nghìn tỷ đồng sau Tết xuống còn 1 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6. Nhìn chung, các ngân hàng thương mại đang ở trong tình trạng ứ tiền không có đầu ra. Nguyên 1 quý tăng trưởng tín dụng âm và sự nhúc nhích trở lại trong chỉ tiêu tăng trưởng cho vay của các ngân hàng thương mại vào quý II cũng cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn đang vật lộn qua thời kỳ “khủng hoảng- suy kiệt tín dụng” (credit crunch) và các tổ chức này chỉ còn biết mang một lượng tiền lớn để vào các tài sản chất lượng cao (flight to quality), an toàn như tín phiếu và trái phiếu Chính phủ.

 

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, đã có 19 đơn vị là các ngân hàng đã tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ, chiếm 50% cơ cấu thành viên trên thị trường với số tiền đã rót khoảng 37.000 tỷ đồng, gần gấp đôi tiền cho vay ra nền kinh tế là 0,76% tương đương xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Có vẻ như chừng nào việc giải ngân tín dụng còn cầm chừng, chừng đó trái phiếu Chính phủ vẫn còn tiếp tục nắm giữ thế thượng phong trong việc hút vốn so với mọi kênh đầu tư và mọi tài sản khác.

 

Với những tín hiệu trên đây, không phải không có lý khi nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi một sự giảm nhiệt của kênh trái phiếu Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại sẽ quay trở lại chú trọng tìm kiếm lợi nhuận trong hoạt động cho vay, và sẽ nới lỏng các tiêu chí để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, với lãi suất thấp hơn, một cách dễ dàng hơn.

 

Thông tin từ HNX cập nhập, từ tháng 6 cho đến nay, hai cuộc gọi vốn do Ngân hàng Phát triển VN phát hành với lãi suất đăng ký từ 9,8-11,63%/năm, tổng trị giá 8.000 tỷ đồng đều đã có kết quả trúng thầu bằng 0 ở tất cả các kỳ hạn. Việc các ngân hàng đã gần đạt chỉ tiêu mua mới trái phiếu Chính phủ sẽ khiến những nhà đầu tư này cân nhắc kỹ hơn đối với kênh đầu tư này, so với các kênh kinh doanh vốn khác, trong đó có hoạt động cho vay doanh nghiệp. Nếu đúng như vậy, động lực để ngân hàng mở hầu bao với doanh nghiệp, tạo “cơ hội” cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng dễ hơn đang ở rất gần.