Các chỉ số chứng khoán chính dự báo tăng khoảng 5 - 10%
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công tư Chứng khoán Vietcombank.
Chúng tôi kỳ vọng, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định trong năm 2020, trong đó điểm sáng là tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan với các yếu tố lạm phát, tỷ giá đều được điều hành linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ.
Cùng với đó, áp lực tăng lãi suất huy động trên thị trường vẫn tồn tại nhưng không mạnh bằng năm 2019.
Dù vậy, kinh tế Việt Nam sẽ cần có những sự thay đổi phù hợp để thích nghi với bối cảnh mới.
Cụ thể, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề kinh tế, thương mại sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch các chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Chúng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ nghiêng nhiều hơn về việc đón nhận các nhóm ngành thâm dụng lao động cao.
Sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động sẽ khiến đà tăng trưởng của các doanh nghiệp phần nào bị hạn chế trong ngắn hạn, nhưng cũng đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới và sàng lọc mô hình kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán dự báo tiếp tục có sự phát triển dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại so với năm 2019.
Mức tăng trưởng cao nhất của các chỉ số chứng khoán chính được dự báo vào khoảng 5 - 10% so với đỉnh của năm 2019.
Thanh khoản (bao gồm cả giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận trên cả HOSE và HNX) được kỳ vọng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến chủ đạo của chỉ số VN-Index trong năm 2019 là dao động trong biên độ tương đối lớn khoảng 150 điểm.
Năm 2020, chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ có xu hướng vận động quanh một nền giá cao hơn, nhưng biên độ dao động cũng sẽ gia tăng và nằm trong khoảng 170 - 180 điểm, còn HNX-Index sẽ dao động trong vùng 105 - 110 điểm.
Luật Chứng khoán sửa đổi đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tạm thời chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán trong năm 2020.
Dù nhìn nhận tiềm năng nâng hạng của Việt Nam từ mức thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vẫn là rất tích cực, nhưng hiện tại chưa đủ cơ sở để xác định chính xác thời điểm, do đó, chúng tôi tạm thời chưa xét đến yếu tố này khi đưa ra kịch bản dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020.
TKV sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2020
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV)
Với việc chủ động điều hành giữa sản xuất và tiêu thụ trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường, kết quả sản xuất - kinh doanh của TKV năm 2019 hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Nhiều chỉ tiêu đạt cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Kết thúc năm 2019, sản lượng than tiêu thụ của TKV đạt trên 44 triệu tấn, sản lượng than sản xuất đạt 40,5 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.
Doanh thu ước đạt trên 130.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 18.400 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với năm 2016.
Ước tính tốc độ tăng trưởng bình quân của Tập đoàn trong năm 2019 đạt 14 -15%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Các chỉ số tài chính của TKV đều được cải thiện theo hướng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh sản xuất than, các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Sản xuất Alumin quy đổi đạt 1,36 triệu tấn, vượt 5% công suất thiết kế.
Sản xuất điện đạt 9,8 tỷ kWh, cao nhất kể từ khi TKV thành lập Tổng công ty Điện lực TKV.
Năm 2020, nhu cầu than cho các ngành công nghiệp chủ lực, đặc biệt là sản xuất điện cũng như phát triển kinh tế tiếp tục tăng cao.
Nhận thức rõ những cơ hội, thách thức và triển vọng trong năm tới, TKV sớm xây dựng mục tiêu kế hoạch cụ thể để có những giải pháp hiệu quả tiếp tục duy trì kết quả sản xuất - kinh doanh cũng như tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2020, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
TIG kỳ vọng ghi dấu ấn trong năm 2020
Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG).
Năm 2019 ghi nhận nhiều khó khăn đối với thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Đặc biệt, thị trường bất động sản có hiện tượng chững lại do kéo dài về thủ tục pháp lý của hầu hết các dự án.
Trong bối cảnh đó, TIG đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh. Trong đó, TIG đạt được ba mục tiêu lớn là: Đầu tư, khai thác thành công các dự án trọng điểm và tích lũy bổ sung các dự án, tài sản mới có giá trị; hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận và cổ phiếu TIG tăng trưởng ấn tượng.
Về hoạt động đầu tư triển khai dự án, TIG đã tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng các dự án trọng điểm, trong đó Dự án Vườn Vua Resort & Villas được phê duyệt quy hoạch đầu tư mở rộng, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên gần 2.000 tỷ đồng.
Các dự án khác đang được quyết liệt xúc tiến triển khai dù vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý.
Đặc biệt, TIG đã và đang tích lũy bổ sung, phát triển nhiều dự án khả thi như: Dự án Dương Đình Nghệ (Hà Nội); mở rộng quỹ đất khu vực Thanh Thủy, Phú Thọ (thêm gần 20 ha cho phát triển dự án); Dự án điện gió tại Quảng Trị. Một số dự án bất động sản khác tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Trị, Lạng Sơn… đang được xúc tiến triển khai.
Qua đó, tạo quỹ đất, tài sản và dự án mới, thiết lập một hệ sinh thái kinh doanh giá trị, tạo dư địa cho Công ty phát triển bền vững trong dài hạn.
TIG còn mở rộng một số ngành hàng như phân phối dây và cáp điện, thiết bị nhà bếp… của nhãn hàng Hyundai - HDE.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, TIG ước hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 137 tỷ đồng trước thuế, đạt 201% so với mức thực hiện năm 2018 - một kế hoạch thách thức mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 đã đề ra.
Trong bối cảnh cần rất nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển các dự án lớn, đồng thời chưa huy động được nguồn vốn từ phát hành trái phiếu theo kế hoạch, TIG vẫn thực hiện chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 5% bằng tiền trong tháng 10/2019.
Cùng với sự khởi sắc về hoạt động kinh doanh, TIG tích cực gia tăng các hoạt động tiếp xúc với cổ đông, nhà đầu tư, chủ động cải thiện minh bạch thông tin.
Qua đó, cổ phiếu TIG đã có sự tăng trưởng ấn tượng và bền vững. Đến ngày 10/12/2019, giá cổ phiếu TIG đạt 7.100 đồng/cổ phiếu, tăng 3,7 lần so với đầu năm 2019 (2.000 đồng/cổ phiếu).
Trước thềm năm mới 2020 với những kỳ vọng phát triển mạnh mẽ của kinh tế đất nước, với bối cảnh môi trường kinh doanh kỳ vọng tiếp tục cải thiện nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, TIG sẽ nỗ lực với quyết tâm cao nhất, tư duy trí tuệ sáng tạo để khai thác, phát huy những nền tảng doanh nghiệp vững chắc và hệ sinh thái kinh doanh giá trị đã được tạo dựng, chúng tôi tin tưởng, TIG sẽ có một năm ghi dấu ấn đậm nét trong hành trình phát triển bền vững đã chọn.
Bối cảnh kinh tế tốt tạo ra những cơ hội tốt cho Công ty
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1).
Năm 2019, hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh cốt lõi của PCC1 như xây lắp điện, lĩnh vực công nghiệp, đầu tư năng lượng, xây dựng bất động sản đều đạt mức tăng trưởng cao, vượt so với kế hoạch đã đề ra.
Đặc biệt, ở mảng kinh doanh chủ lực là xây lắp, Công ty đã ký được những hợp đồng lớn cho quý IV và có biên lợi nhuận khá tốt, cùng với các hợp đồng chuyển tiếp từ cuối quý III sẽ mang lại kết quả khả quan cho tăng trưởng mảng xây lắp trong năm 2019 và chuyển tiếp sang năm 2020.
Đây là nền tảng vững vàng tạo đà thuận lợi cho kế hoạch - sản xuất kinh doanh của PCC1 trong năm nay.
Dự báo năm 2020, bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, nhu cầu đầu tư và phát triển ngành điện tiếp tục gia tăng mạnh, đặc biệt nhu cầu tăng phụ tải điện năng các năm tới vẫn giữ mức cao với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 9 - 10%, đầu tư điện mặt trời và điện gió được nhiều nhà đầu tư tiếp tục quan tâm… sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội tốt cho Công ty.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chững lại, căng thẳng thương mại, xung đột gia tăng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư sẽ là những yếu tố tác động tới thị trường và nhu cầu trong nước.
Do đó, cùng với cơ hội, những thách thức trong năm 2020 và xu hướng bất định đang là những bất thuận tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, PCC1 tập trung nâng cao năng lực quản trị hệ thống, quản trị rủi ro và quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực thi công, quản lý điều hành các dự án EPC, PC, cáp ngầm cao áp theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, tiến độ tất cả các dự án.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, sản xuất công nghiệp, xây lắp, lắp máy và đầu tư dự án để duy trì vị trí dẫn đầu về xây lắp công trình truyền tải điện tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu trong Top 5 khu vực Đông Nam Á.
Doanh nghiệp cần tập trung vào ngành lõi
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam.
Năm 2020, xu hướng chung được các tổ chức quốc tế dự báo trên thị trường thế giới là bất định cao.
Trong bối cảnh như vậy, các nhà đầu tư cả tổ chức lẫn cá nhân đều có xu hướng không nắm giữ cổ phiếu lâu, có cơ hội lên là bán.
Điều này dẫn tới thị trường chủ yếu sẽ diễn biến trong khoảng nhất định, phần lớn là đi ngang.
Xét về kinh tế vĩ mô, nhìn chung chưa thấy có yếu tố nào đột phá, nên khả năng đẩy thị trường chứng khoán lên cao là khó.
Để thị trường lên cao được thì cần có động lực khác biệt, xu hướng kinh tế rõ ràng.
Mà như phần lớn các tổ chức quốc tế đều dự báo, xu hướng thế giới năm 2020 nhiều rủi ro hơn, ở thị trường Việt Nam thì dòng tiền chưa đủ mạnh dẫn tới phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức đều rất thận trọng nên ít nhất 6 tháng đầu năm, chỉ số chứng khoán có thể chủ yếu đi ngang.
Năm 2020, dự báo những ngành cơ bản như sản xuất, chế biến chế tạo vẫn duy trì sự ổn định, nhưng không tăng trưởng mạnh.
Một loạt ngành khác như xây dựng, ngân hàng sẽ chững lại. Ngân hàng chững lại sẽ dẫn theo tiêu dùng kém, bán lẻ kém do nhu cầu chi tiêu ảnh hưởng.
Doanh nghiệp trong giai đoạn này không nên tính câu chuyện mở rộng quy mô, mà cần tập trung vào ngành lõi, vào nâng cao năng lực quản trị, cắt giảm chi phí vì doanh thu khó thể tăng mạnh, câu chuyện hiệu quả phải đặt lên hàng đầu.
Để tăng sức kháng cự trước các cú sốc bên ngoài, doanh nghiệp cần tập trung hiệu quả cho đồng tiền chi ra để có dòng tiền tốt. Nếu vay quá nhiều dẫn tới phụ thuộc vào dòng tiền bán hàng, doanh nghiệp sẽ khó trụ vững nếu thị trường có biến động lớn.
Dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 15%
Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS).
Quốc hội đã nhất trí thông qua tăng trưởng GDP kế hoạch 2020 là 6,8% và tỷ lệ lạm phát kiểm soát không để vượt quá 4% là nền tảng cho một nền kinh tế vĩ mô ổn định.
CTS dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2020 đạt khoảng 15%.
Tuy nhiên, nếu loại trừ nhóm ngành ngân hàng, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 7% và nếu tiếp tục loại nhóm Vingroup ra khỏi rổ tính toán, con số tăng trưởng lợi nhuận có lẽ chỉ khoảng 3%.
Với tốc độ tăng trưởng giảm như vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào việc điều chỉnh giảm của chỉ số P/E của VN-Index.
Trên cơ sở đó, chúng tôi nhìn nhận một số ngành được dự báo giữ được động lực tăng trưởng lợi nhuận là nhóm ngành ngân hàng (với các đầu tầu như VCB, BID, CTG, MBB… tăng trưởng 18 - 20%), nhóm ngành bán lẻ tiêu dùng (MSN, VNM, MWG, PNJ).
Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi trong năm 2019 là một tín hiệu tích cực thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc định hướng thị trường chứng khoán trở thành một trong những kênh huy động vốn chính.
Tuy nhiên, do Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nên mức tác động này sẽ chưa có ảnh hưởng ngay trong
năm 2020.
Với câu chuyện nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chuẩn theo đánh giá của FTSE Russell, ngoại trừ hạng mục phương thức thanh toán T+2/T+3 còn nhiều hạn chế, nhưng chưa đạt được các tiêu chí đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của MSCI.
Nếu tình hình không được cải thiện thì Việt Nam sẽ khó được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE Russell và có lẽ sẽ là một khoảng thời gian nữa trước khi chính thức được MSCI nâng hạng.
Thị trường chứng khoán trong năm 2020 tiếp tục bị chi phối bởi nhiều yếu tố như tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu tiếp tục “bấp bênh và suy giảm”, mức tăng trưởng bình quân khoảng 2,9 - 3,0%, theo nhận định chung của các tổ chức tài chính uy tín như OECD, WTO, IMF, WB, ADB...
Bên cạnh đó, không thể không kể đến một số rủi ro lớn khác như thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2 vẫn đang trong quá trình đàm phán và hiện vẫn là ẩn số khó dự đoán.
Cần chú ý tới diễn biến phá giá đồng CNY
Ban Dự báo kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Rủi ro từ vấn đề tỷ giá do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn hiện hữu. Trong thời gian tới, nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá CNY để đối phó với việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa từ nước này, áp lực giảm giá lên VND sẽ tăng lên đáng kể.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải tính đến việc chủ động hạ giá VND để hạn chế sự giảm sút sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các quốc gia mới nổi khác; hoặc Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng dòng vốn đầu tư nhanh chóng rút khỏi các thị trường mới nổi do quan ngại suy thoái kinh tế tại Trung Quốc, theo đó gây sức ép lên VND.
Việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng CNY dự báo có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ mới.
Theo đó, các nền kinh tế khác cũng có thể theo đuổi chính sách phá giá đồng nội tệ tương tự để hỗ trợ xuất khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam luôn cố gắng giữ giá trị tiền đồng so với USD, chỉ cho phép phá giá trong biên độ nhất định để tránh những bất ổn lên nền kinh tế, do đó, VND sẽ tăng giá so với một số ngoại tệ khác (trong đó có CNY).
Điều này có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh. Hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng kéo theo nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường giảm.
Những rủi ro tài chính đến từ chiến tranh thương mại do sự thay đổi các quyết sách của các ngân hàng trung ương (liên quan đến lãi suất, tỷ giá); xu hướng nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng tại một số quốc gia và khu vực cũng có khả năng sẽ gây ra những tác động lớn đến công tác điều hành tài chính tiền tệ của Việt Nam.
Yếu tố quyết định vẫn là nội tại doanh nghiệp
Ông Nguyễn Huy Dương, Giám đốc Tài chính CTCP Dịch vụ đầu tư và tài chính Hoàng Huy.
Với dự báo GDP tăng trưởng từ 6,7 - 7%, các cán cân kinh tế giữ vững nên nhìn chung nền kinh tế vĩ mô 2020 dự báo sẽ ổn định.
Do vậy, xét về tổng thể thì thị trường tài chính, chứng khoán nói chung không có xáo trộn nhiều.
Tất nhiên, có thể có những chu kỳ ngắn hạn 1 tháng hay nửa tháng thị trường chứng khoan biến động mạnh, nhưng tôi tin rằng, đó chỉ là yếu tố bình thường.
Xu hướng về nguồn vốn vào Việt Nam đầu tư sẽ vẫn tích cực do Việt Nam có những chỉ số tăng trưởng vĩ mô khá tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy bất trắc.
Dẫu vậy, cần nhận định rõ bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp sẽ tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán, bởi đây là các thị trường rất nhạy cảm, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Các tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ Trung, Nhật - Hàn, Brexit có thể là dấu hiệu khởi đầu cho xu hướng suy thoái toàn cầu trong thời gian tới.
Vấn đề là xu hướng này diễn ra ngày càng nhanh với mức độ loang rộng nhiều hơn, các thông tin thiếu tích cực sẽ tác động trực tiếp tới thị trường mới nổi đặc biệt nhạy cảm như Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều cần lường trước các xu hướng này để thận trọng hơn trong chiến lược đầu tư trong năm tới.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là yếu tố khách quan tác động bên ngoài. Yếu tố quyết định tới doanh nghiệp vẫn chính là sức mạnh nội tại và sự chuẩn bị của từng doanh nghiệp trước xu thế và bối cảnh bên ngoài.
Doanh nghiệp muốn phát triển mạnh thì phải chuẩn bị tốt cả về yếu tố con người, quản trị tốt và có tài chính ổn định.
Bản thân Công ty Hoàng Huy thời gian vừa rồi vẫn liên tục đón nhận những thông tin và kết quả rất tích cực khi nhận được rất nhiều sự quan tâm tìm hiểu từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt Hoàng Huy đã gọi thành công 50 triệu USD vốn đầu tư từ nhà đầu tư Hàn Quốc.
Trước cơ hội thuận lợi cũng như những thách thức trong năm 2020, Hoàng Huy vẫn xác định chiến lược tập trung vào hai lĩnh vực cốt lõi có thế mạnh của doanh nghiệp là phân phối xe tải hạng nặng và phát triển các dự án bất động sản tập trung vào phân khúc dự án khu dân cư đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng.
Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay là kêu gọi thành công một số nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư và đồng hành dài hạn để phát triển dự án với tổng vốn dự kiến lên tới 30.000 tỷ đồng.
Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại, VN-Index kỳ vọng tăng lên 1.100 điểm
Ông Tsuyoshi Imai, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, Việt Nam tiếp tục chứng kiến tăng trưởng GDP mạnh mẽ, với số liệu ban đầu vào khoảng 7,02% năm 2019.
Nhờ lực hỗ trợ từ đà phát triển của xuất khẩu, đây là năm thứ 2 liên tiếp, GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức hơn 7%.
Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức chưa tới 3% và dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng mạnh năm 2020. Ngành du lịch của Việt Nam cũng đặt mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách nước ngoài trong năm tới.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bất chấp ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2019, các doanh nghiệp tiếp tục tận hưởng những kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tích cực và bối cảnh kinh tế vĩ mô tốt.
Nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trở lại, VN-Index được kỳ vọng tăng lên 1.100 điểm. Việc nới lỏng các chính sách liên quan tới nhà đầu tư ngoại chính là chìa khoá cho câu chuyện này.
Năm 2020, các lĩnh vực cần chú ý là ngân hàng và ngành bán lẻ. Với việc nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, kích cỡ của các doanh nghiệp cũng không ngừng gia tăng nhờ hoạt động đầu tư tài chính và vai trò của ngân hàng trong việc cung cấp vốn ngày càng nâng cao.
Cả doanh nghiệp và người dân đều gia tăng vay mượn. Tỷ lệ người trên 18 tuổi có tài khoản ngân hàng vào khoảng 60% và còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Vai trò và sự hiện diện của các nhà băng sẽ ngày càng mở rộng kể từ nay.
Thêm vào đó, nhờ mức lương gia tăng hàng năm, người dân Việt Nam có xu hướng tăng tiêu dùng thay vì tiết kiệm trong thời gian tới.
Đây sẽ là động lực lớn với ngành bán lẻ, nhất là khi lạm phát đang được kiểm soát tốt và thị trường tiêu dùng tăng trưởng ổn định.
Nhìn chung, nếu thu nhập đầu người trên 3.000 USD, doanh số bán hàng tiêu dùng, với các sản phẩm như nội thất, thiết bị gia tăng sẽ được thúc đẩy. Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ chứng kiến thị trường tiêu dùng bùng nổ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại về lĩnh vực xây dựng kể từ khoảng năm 2018 tới nay. Giá cổ phiếu ngành này đã giảm mạnh bởi các ngân hàng giới hạn việc cho vay và trì hoãn các dự án cao tốc, metro, cũng như các dự án bất động sản.
Tiên phong, hành động, sáng tạo để bước vào thập kỷ mới
Ông Lê Xuân Hoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo.
Một thập kỷ qua, Kangaroo đã đạt được những thành tựu phát triển mạnh mẽ, là nền tảng để bắt đầu từ năm 2020, bước vào một thập kỷ kinh doanh mới với nhiều cơ hội, thách thức và Kangaroo kỳ vọng vào những thành tựu kinh doanh lớn hơn.
Kangaroo luôn giữ lập trường “tiên phong, hành động và sáng tạo” để giữ vững vị thế và vai trò của người đi đầu, chúng tôi tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng những sản phẩm tốt nhất vì sức khỏe người tiêu dùng, khẳng định vị thế của các doanh nghiệp nội địa trong tâm trí người sử dụng.
Ngành máy lọc nước Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ và ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế với những doanh nghiệp lớn tiên phong dẫn dắt. Kangaroo đã hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, phân phối với đội ngũ cán bộ đủ tâm, trí, đức sẵn sàng hành động quyết liệt hơn, sáng tạo hơn để đóng góp nhiều giá trị hơn từ kinh tế đến khoa học cho nước nhà, đồng thời tiếp tục chinh phục phần còn lại của thế giới.