Lãi suất chưa đáng ngại
Số liệu mới nhất về tổng vốn huy động qua kênh phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai xác nhận cuối tuần qua.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018, trong đó, doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%).
Riêng đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) có mức lãi suất khá cao, 12 - 14,5%/năm. "Đây là một trong những doanh nghiệp có mức lãi suất cao nhất", bà Mai cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PDR cho rằng, lãi suất 14,45%/năm mà công ty này đưa ra chưa phải là cao. Việc phát hành trái phiếu giúp dòng tiền của Công ty quay nhanh, không phức tạp như vay ngân hàng, trong khi hiệu quả đầu tư cao hơn.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến ở mức 10%, cao hơn đáng kể so với lãi suất ngân hàng. Thời gian qua, với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, lãi suất dao động trong khoảng 6,8 - 7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn, lãi suất là 8 - 8,7%.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã rà soát, đánh giá mức huy động lãi suất như vậy "chưa có xu hướng biến động đáng ngại". Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá, phân tích thường xuyên và đưa ra giải pháp phù hợp nếu có bất thường.
Cuộc chơi của các “tay to”
Trước đó, đã có không ít lo ngại của các chuyên gia về tính rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, bởi lãi suất cao hơn so với lãi vay ngân hàng, trong khi điều kiện dễ dàng hơn, thủ tục đơn giản, không cần tài sản đảm bảo.
Trong 7 tháng đầu năm, tổng phát hành trái phiếu của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018.
Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/2/2019 (sửa đổi từ Nghị định 90/2011/NĐ-CP) nới lỏng nhiều điều kiện khi phát hành, thậm chí đã bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi trong năm gần nhất. Trong khi đó, nếu phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải đảm bảo có lãi trong năm gần nhất, không lỗ lũy kế, không có nợ quá hạn trên 1 năm...
Nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn dù các khoản vay mới chưa đến kỳ kết thúc, nhưng đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Trong đó, sau khi áp quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ mức 45% xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019, cơ quan này tiếp tục đưa ra hai phương án để giảm dần xuống mức 30%.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu một phần đến từ lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản mà Chính phủ đưa ra, đó là giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng trị giá trên 3 tỷ đồng.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, trái phiếu doanh nghiệp vốn là cuộc chơi của các tổ chức chuyên nghiệp, nhưng trong nửa đầu năm lại có khoảng 7% nhà đầu tư cá nhân rót tiền tham gia.
Vị lãnh đạo HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản quan tâm phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bởi trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu thành công, HoREA cũng lưu ý doanh nghiệp bất động sản phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.