Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho chế biến và tiêu thụ nông sản

Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho chế biến và tiêu thụ nông sản

(ĐTCK) Hàng loạt khó khăn thách thức đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản trong năm 2019 đã được chỉ ra tại Diễn đàn thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản 2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương và Ngân hàng thế giới tổ chức diễn ra sáng 5/3.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trước hết do nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Đặc biệt, thị trường đầu ra cho nông sản dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng.

"Tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên" Bộ trưởng nhấn mạnh.

Năm 2019, ngành nông nghiệp được giao chỉ tiêu cao hơn so với năm 2018 như tốc độ tăng trưởng GDP trên 3%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.

Bộ trưởng cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiến tới hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới.

Lo ngại trước xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại và kỹ thuật cũng như các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng tăng trong ngành hàng thủy sản thời gian gần đần đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp diễn biến gia tăng hết sức phức tạp trong các biện pháp bảo hộ, quy chuẩn kỹ thuật cũng như hàng rào thương mại, đặc biệt tại các thị trường trong điểm của ngành thủy sản như Mỹ, EU.

Để chủ động đối phó với các thách thức này, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động có các giải pháp tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ, đảm bảo tuân thủ tối đa các quy chuẩn, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn từ nguồn nguyên liệu, con giống tới quy trình nuôi và chế biến.

Đồng thời, VASEP kiến nghị các bộ ngành cơ quan quản lý nhà nước thắt chặt quản lý hoạt động xuất khẩu qua đường tiêu ngạch, kiểm soát hạn chế gian lận thương mại để đảm bảo giữ uy tín và chất lượng cho ngành thủy sản, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp có cơ chế linh động để quỹ phát triển thị trường được đưa vào hoạt động phục vụ chiến lược phát triển bền vững thị trường xuất khẩu.

Trong ngành chăn nuôi, đại diện Tập đoàn Masan cho biết, hiện nay, doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro do dịch bệnh cũng như sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ hoạt động gian lận thương mại, từ các sản phẩm không rõ nguồn gốc có giá thành rẻ hơn.

Đại diện Masan cũng kiến nghị các cơ quan quản lý hỗ trợ tuyên truyền ý thức người chăn nuôi về đảm bảo an toàn chăn nuôi nhất là trong giai đoạn đang có dịch tả châu Phi và lở mồm long móng như hiện nay.  

Ở lĩnh vực sản xuất và chế biến hàng nông sản, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nafoods Group cho hay, hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chưa xuất khẩu được vào thị trường trọng điểm bằng con đường chính ngạch.

Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, nhà nước có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, liên kết với các hộ nông dân để doanh nghiệp có thể tự chủ tổ chức sản xuất trên quy mô lớn theo mô hình chuỗi giá trị nông sản, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu mang lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Tin bài liên quan