Tuyến Hà Nội - Thái Nguyên nằm trong 7 tuyến cao tốc bị cảnh báo chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đây là kiến nghị được tổng hợp từ các doanh nghiệp khi tham gia góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc mà Bộ Giao thông - Vận tải đang soạn thảo.
Kiến giải về đề xuất này, VCCI cho biết, các doanh nghiệp đặc biệt lo ngại tình trạng chất lượng đường xuống cấp ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện nhưng vẫn phải nộp phí.
Ví dụ, trong 11 tuyến cao tốc dự kiến thu phí (gồm Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, QL.45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ), các doanh nghiệp phản ánh tuyến Hà Nội - Thái Nguyên nằm trong 7 tuyến cao tốc bị cảnh báo chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc, trong đó từng xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông từ năm 2022 đến tháng 10/2023 do mặt đường xuống cấp làm cho người điều khiển phương tiện giao thông bị mất lái.
Về lâu dài, chất lượng các tuyến đường có thể xuống cấp nếu không được duy tu, bảo trì thường xuyên, đặc biệt là các tuyến đường BOT khi hết thời hạn hợp đồng sẽ được bàn giao cho Nhà nước và tiếp tục được thu phí.
Trong Dự thảo hiện tại chưa có quy định về việc tạm dừng thu phí trong các trường hợp chất lượng dịch vụ không bảo đảm như ách tắc tại trạm thu phí (phải xả trạm) hoặc chất lượng đường xuống cấp, không bảo đảm tốc độ lưu thông hoặc tỷ lệ tai nạn giao thông tăng cao.
Các quy định về điều kiện và thủ tục thu phí (tại Điều 3 và Điều 4) mới chỉ phù hợp để áp dụng cho trường hợp bắt đầu thu phí, chứ không thể mở rộng để áp dụng cho trường hợp tạm dừng hoặc tiếp tục thu phí.
“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về các trường hợp tạm dừng thu phí, trong đó có trường hợp do chất lượng đường xuống cấp, không bảo đảm tốc độ và an toàn cho phương tiện lưu thông”, VCCI kiến nghị với Ban soạn thảo.
Đồng thời, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung thêm quy định cho phép các chủ phương tiện, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp vận tải, có quyền giám sát chất lượng đường và kiến nghị đến cơ quan quản lý (BGTVT hoặc UBND cấp tỉnh) về việc dừng thu phí khi chất lượng đường xuống cấp.
“Đề nghị bổ sung thêm quy định về một cơ chế độc lập nhằm kiểm tra chất lượng đường và quyết định dừng hoặc tiếp tục thu phí khi hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan quản lý tuyến đường không thống nhất được”, VCCI kiến nghị.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc phân loại mức phí chi tiết hơn căn cứ theo chất lượng tuyến đường như số làn xe và tốc độ tối đa cho phép lưu thông trên tuyến. Việc này sẽ giúp phản ánh chính xác giá trị dịch vụ và lợi ích nhận được từ từng tuyến đường cao tốc từ đó có mức phí tương ứng phù hợp.
Hiện tại, Dự thảo Nghị định hiện đã có quy định về mức phí chia theo loại phương tiện và chất lượng của tuyến đường. Theo đó, chất lượng của tuyến đường sẽ chia thành hai mức, gồm các tuyến đường đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc quy định tại Luật Đường bộ 2024 và các tuyến đường không đáp ứng điều này (được xây dựng trước đó).
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc chia chất lượng đường như vậy vẫn chưa đầy đủ. Trên thực tế, chất lượng đường cao tốc có thể tương đối đa dạng về số lượng làn xe (4 làn, 6 làn, và nhiều hơn), về tốc độ tối đa cho phép (80 km/h, 100 km/h, 120 km/h…) và tương lai sẽ có những con đường cao tốc chất lượng cao hơn.
Ví dụ, quy hoạch các tuyến cao tốc mở rộng quy mô làn xe của các tuyến TP.HCM - Trung Lương thành 8 làn; Mỹ Thuận - Cần Thơ, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết thành 6 làn; và Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên thành 4 làn xe hoàn chỉnh…