Naviva: Phải đi vay mượn để khẩn cấp giao hàng
Năm 2022, sau nhiều lần gửi đơn “khẩn cầu” tới Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mà vẫn chưa nhận được tiền từ Trung tâm Y tế TP. Thuận An, mới đây, Công ty cổ phần Vắc xin và sinh phẩm Nam Hưng Việt (Naviva, trụ sở tại quận 7, TP.HCM) đã phải khởi kiện bên mua - Trung tâm Y tế TP. Thuận An ra Tòa án để đòi nợ tổng số tiền hơn 59 tỷ đồng (gồm 55 tỷ đồng tiền hàng, còn lại là tiền lãi).
Theo đại diện Naviva, thời điểm tháng 7/2021 đến tháng 10/2021, Covid-19 bùng phát mạnh. Tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... (bao gồm TP. Thuận An, tỉnh Bỉnh Dương), tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp.
Trong hoàn cảnh đó, Naviva đã nhận được Công văn số 1179/TTYT, ngày 7/9/2021 của Trung tâm Y tế TP. Thuận An xin “mượn” hàng sinh phẩm để sử dụng phục vụ xét nghiệm Covid-19 cho người dân TP. Thuận An.
“Công ty chúng tôi tại thời điểm đó cũng không thể tránh khỏi những tác động kinh hoàng của đại dịch Covid-19. Nhà của hơn 2/3 nhân viên Công ty bị phong tỏa và cách ly do có liên quan đến dịch bệnh. Tất cả các khoản chi phí đầu vào đều cao gấp 3 - 4 lần so với ngày thường và đều phải thanh toán ngay bằng tiền mặt thì mới có hàng. Tuy nhiên, do tính cấp thiết của Công văn số 1179/TTYT của Trung tâm Y tế TP. Thuận An, Công ty chúng tôi đã bằng mọi giá đi vay mượn để mua đủ hàng hóa, cung cấp kit test Covid-19 để phục vụ phòng, chống dịch kịp thời, các thủ tục thanh toán còn lại được thực hiện sau”, đại diện Naviva cho biết.
Naviva đã vay mượn để cung cấp cho Trung tâm Y tế TP. Thuận An số lượng hàng có tổng giá trị lên tới 55 tỷ đồng.
Đến ngày 4/10/2021, doanh nghiệp này nhận được Công văn số 2702/UBND-KT của UBND TP. Thuận An đồng ý mua test xét nghiệm nhanh Covid-19 với kinh phí 55 tỷ đồng. Trên cơ sở này, Naviva cùng Trung tâm Y tế TP.Thuận An hoàn thiện hồ sơ để xuất hóa đơn và thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Ngày 31/12/2021, Trung tâm Y tế TP.Thuận An yêu cầu Naviva xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho lô hàng để hoàn thiện thủ tục thanh toán.
Thế nhưng, cho đến giờ này, Naviva vẫn chưa hề nhận được một đồng xu nào tiền hàng.
“Toàn bộ giá trị lô hàng trên, ngay khi xuất hóa đơn, chúng tôi đã phải chịu thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho kỳ thuế năm 2021. Không đóng thuế, chúng tôi bị cơ quan thuế phạt, thậm chí bị truy tố nếu cố tình chây ỳ. Nhưng tiền hàng đến nay chúng tôi chưa nhận được đồng nào. Việc này gây quá nhiều khó khăn cho Công ty. Đến nay, có thể nói, doanh nghiệp gần như kiệt quệ. Với lãi suất cho vay hiện nay, một tháng chúng tôi phải mất ít nhất 320 triệu đồng tiền lãi vay cho số tiền mà TP. Thuận An đang nợ”, đại diện Naviva bức xúc.
Công ty Chìa Khóa Vàng: Đòi nợ hơn 80 tỷ đồng
Doanh nghiệp không thể hoạt động bằng sự thông cảm, sự chia sẻ, sự đồng cảm bằng lời nói tinh thần. Cái chúng tôi cần là tiền vốn chúng tôi đã bỏ ra và cần thu về cho tái sản xuất, kinh doanh. Nếu các cơ quan của nhà nước đều có cách thanh toán, đối xử với Công ty chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung như cách mà Trung tâm y tế TP. Thuận An đang làm, thì thử hỏi, nếu có đại dịch nào xảy ra nữa, thì có doanh nghiệp nào dám đứng ra đồng hành, hỗ trợ Nhà nước nữa không, để đến bây giờ mòn mỏi chờ đợi được thanh toán?.
- Bác sĩ Lê Phước Thi, Giám đốc Naviva
Giống như Naviva, Công ty TNHH Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chìa Khóa Vàng (Công ty Chìa Khóa Vàng, trụ sở tại phường Tân Hưng, quận 7 TP.HCM) cũng khởi kiện Trung tâm Y tế TP. Thuận An ra tòa đòi nợ hơn 80 tỷ đồng (bao gồm trên 74 tỷ đồng tiền hàng, còn lại là tiễn lãi).
Hồ sơ của Công ty Chìa Khóa Vàng thể hiện, nhận được kêu gọi khẩn từ phía tỉnh Bình Dương, nên năm 2021, Công ty đã ký kết 5 hợp đồng kinh tế với Trung tâm Y tế TP. Thuận An cung cấp vật tư y tế phòng, chống Covid-19 cho đơn vị này, với tổng trị giá tiền hàng hơn 74 tỷ đồng.
Các vật tư, trang thiết bị phục vụ việc chống dịch Covid-19 đã được Công ty Chìa Khóa Vàng giao đầy đủ theo yêu cầu đặt hàng của Trung tâm Y tế TP. Thuận An để kịp thời chống dịch vào các tháng 6, 7, 8, 9 năm 2021 (thời điểm đỉnh dịch Covid-19).
Nhưng đến nay, Trung tâm Y tế TP. Thuận An vẫn chưa thanh toán các hợp đồng nêu trên. Công ty Chìa Khóa Vàng đã nhiều lần gửi yêu cầu bằng tin nhắn, điện thoại, công văn yêu cầu thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ, nhưng Trung tâm Y tế TP. Thuận An không phản hồi.
Vì vậy, Công ty Chìa Khóa Vàng buộc phải khởi kiện đòi tiền hàng gốc (hơn 74 tỷ đồng) và hơn 5,3 tỷ đồng tiền lãi tính từ ngày 5/1/2022 đến thời điểm làm đơn khởi kiện.
“Chúng tôi mua hàng hóa bằng tiền mặt, nhưng bán thiếu (cho nợ - PV) cho Trung tâm Y tế TP. Thuận An để kịp thời cứu chữa, đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19. Sau khi dịch bệnh lắng xuống, chúng tôi đã nhiều lần tìm đến gặp Trung tâm Y tế TP. Thuận An, gặp lãnh đạo TP. Thuận An để xin giải quyết, nhưng không được. Hiện nay, chúng tôi bị các đơn vị khác khởi kiện, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên buộc lòng phải khởi kiện Trung tâm Y tế TP. Thuận An”, bà Nguyễn Bích Chi, Giám đốc Công ty Chìa Khóa Vàng nói.
Tỉnh Bình Dương không dám… hạ bút?
Tại buổi hòa giải giữa các bên tổ chức tại Tòa án Nhân dân TP. Thuận An vừa qua, bà Huỳnh Thị Nguyệt Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thuận An) xác nhận việc có mua bán, nợ tiền của Công ty Naviva và Công ty Chìa Khóa Vàng. Các nội dung mà 2 doanh nghiệp này phản ánh là đúng.
Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Y tế TP. Thuận An cũng “kêu trời” rằng, việc chưa trả được nợ là bởi: “Chúng tôi chỉ là đơn vị sử dụng, kinh phí phải chờ cấp phát từ trên! Chúng tôi hoàn toàn bị động, nên chỉ mong doanh nghiệp cho thêm chút thời gian…”.
Cũng theo đại diện Trung tâm Y tế TP. Thuận An, đơn vị đã nhiều lần yêu cầu, làm văn bản gửi cấp trên để mong có phương án sớm trả tiền cho doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.
Hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, cuối năm 2022, Trung tâm Y tế TP. Thuận An đã gửi văn bản tới Thành ủy, UBND TP. Thuận An đề nghị bổ sung kinh phí để thanh toán các gói mua sắm vật tư chống dịch Covid-19. Trong các văn bản này, Trung tâm Y tế TP. Thuận An khẩn thiết nêu: “Kính mong các cấp lãnh đạo xem xét có phương án giúp cho đơn vị có kinh phí trả nợ doanh nghiệp, để giải quyết tranh chấp pháp lý…”.
Tiếp nhận đề nghị khẩn thiết này, ngay cuối năm 2022, UBND TP. Thuận An cũng cấp bách… gửi văn bản tới UBND tỉnh Bình Dương với nội dung: “Hiện nay, các nhà cung cấp (Công ty
Naviva và Công ty Chìa Khóa Vàng - PV) đã có đơn đề nghị Tòa án Nhân dân TP. Thuận An để khởi kiện Trung tâm Y tế TP. Thuận An thanh toán phần nợ. Trước tình hình cấp bách nêu trên, UBND Thành phố báo cáo xin chủ trương UBND tỉnh có hướng chỉ đạo giải quyết và bổ sung kinh phí để thanh toán các gói thầu”.
Tuy nhiên, đến giờ này, các cơ quan liên quan vẫn chỉ nhận được sự… im lặng từ phía UBND tỉnh Bình Dương. Sự im lặng này khiến đại diện Naviva phải viết trong đơn: “Chẳng lẽ, lãnh đạo TP. Thuận An nói riêng và lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói chung cứ để vậy cho các doanh nghiệp phá sản mà không có giải pháp mạnh mẽ nào hay sao?
Chúng tôi biết rằng, trong thời điểm dịch, đã có những cá nhân, tập thể lợi dụng để làm chuyện sai trái. Điều đó dẫn đến có rất nhiều cuộc thanh - kiểm tra của các cấp, ban, ngành là điều đương nhiên. Nhưng nếu các cơ quan, ban, ngành đã thanh - kiểm tra tất cả hồ sơ tài liệu bán hàng của đơn vị cung cấp không có vấn đề gì sai pháp luật, thì phải giải ngân thanh toán tiền hàng cho doanh nghiệp, chứ không thể cứ hết cuộc thanh tra này đến cuộc thanh tra khác kéo dài đến nay gần 1 năm mà vẫn chưa xong, dẫn đến doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ”.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, hiện Tòa án Nhân dân TP. Thuận An đã thụ lý đơn kiện của Công ty Naviva và Công ty Chìa Khóa Vàng và các doanh nghiệp này đã thực hiện đóng án phí.
Mới đây, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, không phải không có tiền và địa phương chây ỳ, mà do vướng cơ chế, nên chưa thể chi trả.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, TP. Thuận An là địa phương xảy ra dịch Covid-19 rất nặng nề, phải mua nhiều vật tư y tế trong thời điểm cấp bách để phòng chống dịch. Khi đó, nếu thực hiện việc mua sắm theo đúng các quy định đấu thầu thì không thể kịp, nên phải thực hiện phương án “mượn trước, trả sau” và mua theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, khi quyết toán thì vướng các quy định, không có cơ chế đấu thầu để trả nợ.