Khi có nhiều chủ thể cùng cố gắng, sẽ đến ngày các DN Việt Nam bước sang chuẩn mới về minh bạch và thực hiện trách nhiệm cộng đồng

Khi có nhiều chủ thể cùng cố gắng, sẽ đến ngày các DN Việt Nam bước sang chuẩn mới về minh bạch và thực hiện trách nhiệm cộng đồng

Doanh nghiệp không nên xem nhẹ thông tin phi tài chính

(ĐTCK) Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho biết: “Các nhà đầu tư và đặc biệt là các tổ chức quốc tế đang tìm kiếm ngày càng nhiều công bố thông tin phi tài chính từ các DN để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của DN mà họ đang đầu tư”.

Khoảng hở của Báo cáo phát triển bền vững

Năm 2016, khi Thông tư 155/2015/TT-BTC có hiệu lực, báo cáo phát triển bền vững đã không còn xa lạ đối với các công ty niêm yết. Tuy nhiên, công tác thực hiện báo cáo phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu.

Tại Hội thảo “Báo cáo Phát triển bền vững cho DN niêm yết tại Việt Nam” do  Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Phát triển Bền vững Toàn cầu - GRI tổ chức ngày 18/6, các chuyên gia cho rằng, luật đã có quy định, nhưng các công ty Việt Nam đang thực hiện báo cáo bền vững một cách không đồng nhất, không tuân theo một tiêu chuẩn cụ thể nào, điều đó dẫn đến việc không đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Anh Thơ, Giám đốc Dịch vụ tư vấn, Deloitte Việt Nam đánh giá, có một số nhận thức chưa được chuẩn mực về loại báo cáo này.

Nhiều DN cho rằng, báo cáo phát triển bền vững chỉ là 1 công cụ giúp DN truyền thông, quảng cáo hình ảnh, chứ không phải là một báo cáo minh bạch thông tin ở mức độ sâu hơn. Thực tế, mục tiêu của báo cáo là công bố và cung cấp thông tin minh bạch cho các bên liên quan. Đây còn được xem là trách nhiệm giải trình của DN với công chúng. Một số DN có quan niệm, chỉ nên thực hiện báo cáo này khi mang lại lợi ích kinh tế cụ thể, nhưng để thực hiện một báo cáo cần tốn công sức, thời gian, tiền bạc và dù không có có lợi ích trước mắt, điều quan trọng nhất là báo cáo mà mang đến những giá trị lâu dài.

Nhiều DN lại băn khoăn cho rằng, trong quá trình hoạt động có nhiều thông tin tiêu cực và liệu công bố những thông tin này có tạo nên ảnh hưởng xấu tới DN hay không? Theo kinh nghiệm của Deloitte, DN cần minh bạch thông tin về cả 3 mảng (kinh tế - môi trường - xã hội), do đó những thông tin tích cực và tiêu cực đều cần công bố. Điều quan trọng là khi công bố thông tin tiêu cực, DN có cách thức giải pháp để cải thiện vấn đề. Không né tránh sự thật và tìm giải pháp để ứng xử luôn tốt hơn việc DN cố tình che giấu thông tin tiêu cực vì khi bị nhà đầu tư phát hiện, danh tiếng, uy tín sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Động lực nào cho DN thực hiện báo cáo phát triển bền vững?

Sau hơn 6 năm tìm tòi và xây dựng báo cáo phát triển bền vững, bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng ban truyền thông thương hiệu Tập đoàn Bảo Việt cho biết, bắt đầu từ việc đối tác chiến lược trước đây của Bảo Việt là HSBC yêu cầu Bảo Việt phải thực hiện loại báo cáo này.

“Bảo Việt đã thực hiện báo cáo phát triển bền vững, sau đó là Báo cáo tích hợp và việc này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà đầu tư, niềm tin và sự quan tâm cũng lớn hơn”, bà Hoa nói. Đây là động lực khiến Bảo Việt thường xuyên nỗ lực làm báo cáo theo các tiêu chuẩn cao hơn, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo chia sẻ của những người đã có kinh nghiệm, thì việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững không phải là khó. Khi lập báo cáo, DN hoàn toàn có thể tự đọc tự tìm hiểu và tham khảo các thông tin từ những đơn vị đã từng thực hiện. Bộ chỉ số GRI là bộ chỉ số đã được các công ty trên toàn cầu áp dụng.

Tiêu chuẩn báo cáo phát triển của GRI là tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên về báo cáo phát triển bền vững được áp dụng rộng rãi, hỗ trợ các công ty đại chúng và tư nhân có quy mô lớn và nhỏ, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng và nền kinh tế bằng cách cải thiện quản trị và mối quan hệ với các bên liên quan, nâng cao danh tiếng và xây dựng lòng tin.

Với hơn 20 năm đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Dragon Capital ông Phạm Nguyễn Vinh đã chia sẻ góc nhìn về Báo cáo phát triển bền vững rằng: “Các nhà đầu tư và đặc biệt là các tổ chức quốc tế đang tìm kiếm ngày càng nhiều công bố thông tin phi tài chính từ các DN để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của DN mà họ đang đầu tư”.

Về phía nhà quản lý, trong lần sửa Luật Chứng khoán hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ chuẩn hóa quy định về công bố thông tin của DN đại chúng, hướng DN quan tâm đến những yêu cầu liên quan đến thông tin về môi trường-xã hội-quản trị công ty (ESG) theo thông lệ quốc tế. Khi có nhiều chủ thể cùng cố gắng, hy vọng sẽ đến ngày các DN Việt Nam bước sang chuẩn mới về kinh doanh minh bạch và thực hiện trách nhiệm cộng đồng.

Tin bài liên quan