Triển vọng của TTCK khiến nhiều DN thúc đẩy kế hoạch lên sàn

Triển vọng của TTCK khiến nhiều DN thúc đẩy kế hoạch lên sàn

Doanh nghiệp không còn “ngại” niêm yết, vì sao?

(ĐTCK) Dường như các DN không còn “ngại” niêm yết như trước, khi trong tháng 9/2014, Sở GDCK Hà Nội (HNX) liên tiếp đón 4 DN lên niêm yết (CEO, TVC, NDF, PEN).

Ngày 3/10, CTCP Thống Nhất chính thức niêm yết 68 triệu cổ phiếu Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Mục tiêu niêm yết của các DN trong bối cảnh hiện nay là gì? 

Cơ hội huy động vốn

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo các DN chia sẻ, một trong những lý do và mục tiêu của DN là kỳ vọng vào việc huy động vốn thông qua TTCK, nhất là trong bối cảnh thị trường có những chuyển biến tích cực.

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch CTCP Quản lý đầu tư Trí Việt (TVC) cho biết, việc đưa cổ phiếu lên sàn, ngoài việc minh bạch hoạt động còn là cơ hội để DN huy động vốn, phục vụ mục tiêu phát triển, nâng cao các sản phẩm tài chính, đồng thời mở rộng cơ hội kinh doanh, các mối quan hệ và đối tác chiến lược nước ngoài.

“Việc đưa cổ phiếu niêm yết trên HNX có thể xem là một điểm thuận lợi để TVC mở rộng mảng dịch vụ hỗ trợ DN đại chúng”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch HĐQT CTCP Thống Nhất (GTN) cho hay, Công ty chọn thời điểm này để chào sàn bởi đã hội tụ được cả điều kiện khách quan và chủ quan.

Hơn nữa, trong giai đoạn tới, Công ty sẽ đẩy mạnh phát triển mạnh tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất tre công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Chính vì vậy, việc phát hành cổ phiếu huy động vốn để đầu tư phát triển là rất cần thiết. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và khó huy động vốn ngân hàng, TTCK có vai trò là một kênh huy động vốn hiệu quả.

“Việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu trên TTCK đã giúp nhiều DN niêm yết đa dạng hóa nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Diễn biến thị trường khởi sắc hơn là cơ hội để Công ty quyết tâm lên sàn”, ông Thiện nói. 

Lợi ích từ giá cổ phiếu tăng

Ngoài cơ hội huy động vốn hiệu quả, một điểm hấp dẫn các DN lên sàn là diễn biến tăng giá của cổ phiếu.

Thực tế cho thấy, cổ phiếu của những DN mới lên sàn trong thời gian qua ghi nhận mức tăng khá ấn tượng.

Chẳng hạn, cổ phiếu CEO của CTCP Đầu tư C.E.O niêm yết ngày 29/9 liên tiếp tăng giá. Trước đó, cổ phiếu NDF của CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định lên sàn ngày 12/9 có xu hướng tăng giá từ 14.500 đồng/CP lên gần 40.000 đồng/CP (ngày 2/10). Cổ phiếu TVC cũng có những phiên tăng giá mạnh sau khi chào sàn.

Diễn biến này cho thấy, thị trường dành sự quan tâm lớn đối với các cổ phiếu mới lên sàn, mặc dù có ý kiến nghi ngờ rằng, một số cổ phiếu mới lên sàn tăng giá mạnh là do có sự “dẫn dắt” của nhóm cổ đông lớn.

Cổ phiếu tăng giá, nhiều NĐT quan tâm, hình ảnh DN được quảng bá, DN huy động vốn hiệu quả hơn… Theo đánh giá chung, sự sôi động của giao dịch chứng khoán cùng niềm tin trở lại về triển vọng dài hạn của TTCK đã khiến nhiều DN thúc đẩy kế hoạch lên sàn. Cái lợi từ việc lên sàn lớn hơn nhiều so với những lo ngại về chi phí niêm yết, công khai thông tin… 

Sẽ thêm nhiều DN lên sàn

Một số DN đã nộp hồ sơ và dự kiến niêm yết trên HNX trong quý IV/2014, muộn nhất sang đầu năm 2015 như CTCP Khoáng sản và luyện kim Bắc Á, CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Gia Lai, CTCP Khoáng sản và đầu tư Visaco, CTCP Cáp điện Việt Thái, CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định…

Không ít DN khác có kế hoạch niêm yết trên HOSE như CTCP Chứng khoán Thiên Việt, CTCP Phân bón miền Nam, CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, CTCP Dây cáp điện Việt Nam, CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển…

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, trong vai trò nhà quản lý, UBCK sẽ tiếp tục đưa ra giải pháp tổng thể để phát triển thị trường, từ đó thu hút các DN tham gia niêm yết mới. Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014, đặc biệt là quý IV/2014, các hoạt động trọng tâm là thúc đẩy cổ phần hóa, xây dựng các cơ chế chào bán theo nhiều phương thức linh hoạt, gắn đấu giá IPO với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK…

Về công tác “tạo hàng” cho TTCK, cơ quan quản lý đã “vạch” theo từng bước như thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, bán bớt phần vốn Nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa, đưa các DN cổ phần hóa lên sàn để minh bạch hóa hoạt động… Sự quyết tâm trong việc cổ phần hóa các DNNN lớn như Vinatatex và sắp tới là Vietnam Airlines cho thấy, đang có sự quyết tâm lớn của cả DN lẫn cơ quan quản lý trong lộ trình gắn IPO với việc niêm yết trên TTCK. NĐT cả trong và ngoài nước đang kỳ vọng, thị trường sẽ ngày càng có nhiều “hàng hóa” chất lượng lên sàn.     

Tin bài liên quan