Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù chính sách hỗ trợ lãi suất đã và đang được tập trung đẩy mạnh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi lãi vay này không hề dễ.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi lãi suất

Không dễ tiếp cận vốn ưu đãi

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao cuối năm, song không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được điều kiện để vay, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2% và kể cả vay thương mại, vì thiếu tài sản đảm bảo. Còn phía ngân hàng, để đảm bảo chất lượng tín dụng, họ phải chọn lọc khá gắt gao vì đã cạn room.

Với gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% có quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước trong vòng 2 năm (2022 - 2023) được các ngân hàng ước tính dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Do vậy, với việc tín dụng chỉ còn được tăng trưởng chưa đến 500.000 tỷ đồng trong những tháng cuối năm, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, NHNN phải tăng hạn mức tín dụng lên 15 - 16%.

Thực tế, do room tín dụng cạn, ngân hàng không thể đẩy mạnh giải ngân gói 2%, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện để được vay. Do đó, đến nay, giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất 2% rất chậm. Theo NHNN, đến cuối quý III/2022, các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất trên 32 tỷ đồng, với dư nợ 17.000 tỷ đồng đối với khoảng 900 khách hàng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ thực hiện được khoảng 20% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022.

Nới room vẫn khó hấp thụ vốn

Doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp…

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, sức ép tài chính với doanh nghiệp rất lớn, nên việc bảo đảm nguồn vốn cuối năm và giai đoạn sau này rất quan trọng. Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. NHNN đã nới room tín dụng; Bộ Tài chính cũng cần ban hành các chính sách mới liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù NHNN vừa nới thêm 1-2% room tín dụng, nâng tổng room tín dụng lên 15-16% năm nay và đưa 200.000 tỷ đồng vào nên kinh tế, nhưng thời gian còn lại rất ít. Đồng thời, vốn tín dụng sẽ được ưu tiên vào lĩnh vực thiết yếu và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát vào bất động sản.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 11/2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã đạt 12,2% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, xét về cơ cấu, tạm tính đến tháng 10/2022, dư nợ tín dụng cho ngành nông - lâm - thủy sản tăng 7,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,93%; thương mại - dịch vụ tăng 13,63% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng lần lượt 3,45%, 8,42%, 9,64%), tương ứng chiếm 7,64%, 26,57% và 65,79% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đến cuối tháng 10/2022 tăng trưởng tốt, có lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung.

NHNN đã yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất, song thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi lãi vay từ ngân hàng. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cho phép các doanh nghiệp có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng một năm, thay vì đòi hỏi yếu tố tài sản bảo đảm.

Tin bài liên quan