Ngày 11/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, suy giảm kinh tế toàn cầu, tiêu dùng giảm đã kéo theo hoạt động sản xuất, xuất khẩu và thu thuế trên địa bàn tỉnh này đều giảm so với cùng kỳ.
Quý I/2023, tổng thu ngân sách đạt 4.467 tỷ đồng, bằng 90,6% cùng kỳ năm 2022, đạt 29,7% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 4.091 tỷ đồng, bằng 93% cùng kỳ, đạt 31,3% so với dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu chỉ đạt 376 tỷ đồng, bằng 71,1% cùng kỳ, đạt 19,8% dự toán.
Từ cuối năm 2022 đến đầu quý I/2023, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do cắt, giảm, giãn đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử, may mặc và các doanh nghiệp vendor cấp 2, cấp 3 của Samsung.
Có khoảng 45 doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc cắt giảm thời gian làm việc, tổ chức làm việc luân phiên, không tăng ca; một số doanh nghiệp giảm thời gian tăng ca từ 2h đến 3h/ngày xuống còn 1,5h đến 2h/ngày.
Do không có đơn hàng, hiện 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH KCD Việt Nam và Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam đang tạm dừng hoạt động, lao động tạm nghỉ việc, chủ doanh nghiệp xuất cảnh về nước.
Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tỉnh Bắc Giang kiến nghị một loạt nội dung về trình tự, thủ tục thành lập cụm công nghiệp và quản lý kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; về đầu tư hạ tầng, năng lượng; về thị trường, xuất nhập khẩu.
Theo thống kê, đã có trên 16.000 lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị cắt giảm, chủ yếu là lao động thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động trong triển khai thực hiện các dự án nhằm đảm bảo tiến độ, sớm hoàn thành dự án đáp ứng mục tiêu và hiệu quả đầu tư đối với các dự án có diện tích thu hồi đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha đã có quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
'Hiện, thủ tục liên quan đến đất đai hiện còn phức tạp, nhiều thủ tục, qua nhiều bộ, ngành, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các dự án", ông Dương nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị Bộ Công an xem xét, chỉ đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền cho Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về PCCC các công trình thuộc dự án nhóm A do doanh nghiệp sử dụng vốn ngoài ngân sách đầu tư trong khu KCN.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, những tồn tại, hạn chế do tác động từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế thế giới có thể vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Bắc Giang.
Bên cạnh đó, việc chậm công bố quy hoạch ngành và quy hoạch quốc gia dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn (mặc dù quy hoạch tỉnh Bắc Giang được phê duyệt từ tháng 2/2022, sớm nhất cả nước); sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án.
Tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của không ít doanh nghiệp (nhất là về hàng nông, thủy sản) gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch.
Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bắc Giang cần tập trung rà soát rà soát, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ thực chất, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, từng dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động để phát huy hiệu quả đầu tư và gia tăng năng lực sản xuất mới trên địa bàn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, giám sát và điều hành của chính quyền các cấp, hướng đến phát triển chính quyền số nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp và người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực và dư địa để phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan (như vật liệu, cơ khí, chế tạo, thương mại, dịch vụ) và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư…
"Lãnh đạo tỉnh cần đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp người sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng tại các thị trường có FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP, tăng xuất khẩu chính ngạch...", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.