Ảnh minh hoạ.
Trong một báo cáo mới được gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã đề cập “Thực trạng các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ở mức cao”.
Ký báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, chênh lệch thu nhập - chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập - chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nên ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm so với năm 2021, đạt mức 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.
Về cơ cấu thu nhập của các tổ chức tín dụng, theo báo cáo, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng (chiếm 79,6% tổng thu nhập). Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch. Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải.
Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng lãi lớn, ngân hàng chưa thực sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp là vấn đề được đề cập khá nhiều tại nghị trường.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận tín dụng đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Rất đáng chú ý, theo VCCI là tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Vào năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng đã giảm đáng kể xuống con số 17,8%.
VCCI cho rằng, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%) vào năm 2022, song đã giảm bớt so với các năm trước. Tuy nhiên, một loạt khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022.
Cụ thể là “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân” (58,7% năm 2022, tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021); “thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% năm 2022 so với 46,2% năm 2019); tình trạng “doanh nghiệp phải ‘bồi dưỡng’ cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% năm 2022 trong khi năm 2021 là 37,3%), và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” (49,8% năm 2022, năm 2021 là 27,4%).