Doanh nghiệp kho bãi: an toàn trước “bão”

Doanh nghiệp kho bãi: an toàn trước “bão”

(ĐTCK) Nếu như ngành vận tải biển “điêu đứng” trước sóng gió của khủng hoảng kinh tế, không ít DN lâm vào cảnh thua lỗ nặng, phải thanh lý dần đội tàu, thì những năm qua, “người anh em” cảng và dịch vụ kho bãi vẫn “sống khỏe”.
6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu hết các DN trong nhóm vẫn tiếp tục ghi nhận lợi nhuận khả quan.

Hoạt động kinh doanh của các DN ngành cảng biển, kho bãi vẫn ổn định, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, là nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta giữ được đà tăng trưởng tốt. 7 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Gương mặt mới nhất trong nhóm DN cảng và kinh doanh dịch vụ kho bãi niêm yết trên sàn HOSE- CTCP Cảng Cát Lái (CLL) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên sau soát xét, với lợi nhuận sau thuế 38,9 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch cả năm 2014.

Con số lợi nhuận này cũng dễ hiểu, bởi CLL là DN có vốn góp hơn 20% của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hiện đang khai thác một phần diện tích trên cảng Cát Lái, cảng trọng điểm với sản lượng container chiếm trên 85% các cảng thuộc khu vực TP. HCM. Năm 2013, CLL đạt lợi nhuận 83,2 tỷ đồng trên vốn điều lệ 240 tỷ đồng.

Có quy mô vốn điều lệ nhỏ hơn nhiều so với CLL, với 82,32 tỷ đồng, nhưng CTCP Cảng Đồng Nai (PDN) cũng chứng tỏ được lợi thế đắc địa, nằm trong khu vực tứ giác kinh tế Đồng Nai-Bình Dương-Vũng Tàu-TP. HCM, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khi báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 ở mức 25,723 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 19,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2013. Tính ra, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong 6 tháng của PDN đạt 3.125 đồng.

Với CTCP Cảng Đình Vũ (DVP), dù trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2014, Tổng giám Nguyễn Ngọc Hồng đã phác thảo một bức tranh lợi nhuận kém sáng, đó là chính sách biên mậu Trung Quốc hiện đang bất ổn và chính sách tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất của Nhà nước đã khiến lượng hàng thông quan và doanh thu từ container lạnh giảm, DVP lại bắt đầu đưa thiết bị mới vào sử dụng nên chịu chi phí khấu hao lớn, nhưng mới đây, Công ty đã báo lãi trước thuế 6 tháng với 112 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013. Với kết quả kinh doanh khả quan đó, HĐQT DVP đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6 tháng cuối năm 100 tỷ đồng.

CTCsP Đại lý giao nhận Vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL) đạt lợi nhuận sau thuế 47,468 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đạt trên 50% kế hoạch cả năm. Năm 2014, TCL đặt kế hoạch lợi nhuận 83,973 tỷ đồng, EPS 3.823 đồng. Nhiều năm trở lại đây, TCL luôn duy trì lợi nhuận ở mức cao.

Từng gây ấn tượng mạnh trên thị trường với con số lợi nhuận sau thuế năm 2013 ở mức 240,46 tỷ đồng trên vốn điều lệ 288 tỷ đồng (tương đương mức EPS 8.394 đồng), CTCP Container Việt Nam (VSC) báo lãi sau thuế 6 tháng với 112,7 tỷ đồng. Đầu tháng 8/2014, HĐQT VSC đã ra Nghị quyết phấn đấu vượt mức kế hoạch 9% với doanh thu và vượt 6% về kế hoạch lợi nhuận trước thuế (240 tỷ đồng).

Nhắc đến DN ngành kho bãi, không thể không nhắc đến CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept, mã GMD). GMD được xem là DN dẫn đầu trong lĩnh vực cảng biển và logistics trong nước, đứng số 1 tại TP. HCM về cảng cạn ICD, đứng số hai cả nước về khai thác cảng biển cũng như cảng hàng không, đứng số 1 về cho thuê kho bãi và đóng gói cà phê.

DN này cũng có hệ thống cảng biển tập trung tại những vùng kinh tế trọng điểm, phân bổ nhiều trên phạm vi cả nước như Dung Quất, Nam Hải. GMD đầu tư đa ngành khá thành công, với thương vụ chuyển nhượng tòa nhà Gemadept ghi nhận lợi nhuận trước thuế 711 tỷ đồng trong năm 2013. Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh quý II, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 549,985 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 595,5 tỷ đồng. Theo giải trình của GMD, lợi nhuận quý II tăng mạnh chủ yếu là do trong quý này, lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng 39,8 tỷ đồng chủ yếu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính và CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ được đưa vào khai thác.

Ngoài ra, trong quý này, Công ty có khoản doanh thu tài chính tăng 581,4 tỷ đồng do chuyển nhượng 85% vốn góp trong Công ty TNHH Cao ốc Hàng Hải. Với kết quả này, GMD đã hoàn thànhkế hoạch lợi nhuận cả năm 2014.

Vốn nhỏ nhưng vẫn cho hiệu quả kinh doanh cao, đó là CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP). Với mức vốn điều lệ 78,749 tỷ đồng, năm 2013, Công ty lãi sau thuế 54,135 tỷ đồng, EPS đạt 6.875 đồng. Năm 2014, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, trả cổ tức 30%. 6 tháng đầu năm, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 21,3 tỷ đồng, EPS đạt 2.704 đồng. Đáng chú ý, cuối tháng 6/2013, Công ty có 76,56 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

Tương tự là trường hợp CTCP Giao nhận vận tải ngoại thương (VNT), 6 tháng lãi 15,879 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ 2013, đạt trên 60% kế hoạch cả năm, EPS 6 tháng đạt 2.932 đồng.

CTCP Kho vận Miền Nam - Sotrans (STG) báo lãi sau thuế 6 tháng 13,12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 0 đồng.

6 tháng đầu năm, CTCP Đại lý vận tải SAFI (SFI) - Công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế 12,5 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 9,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tăng mạnh 858% so với cùng kỳ là do khoản lợi nhuận giữ lại của liên doanh từ những năm trước chuyển về trong năm nay, làm doanh thu tài chính tăng 52,2 tỷ đồng.

Hay CTCP Logistic Vinalink (VNL) đạt 15,963 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng, trong khi cùng kỳ năm 2013 đạt 12,527 tỷ đồng.

Trong nhóm DN này, duy chỉ có trường hợp CTCP Portserco (PRC), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực giao nhận có lợi nhuận khá khiêm tốn, với 704 triệu đồng sau thuế trong 6 tháng. Tuy nhiên, so với nhiều DN đang niêm yết trên sàn, đây vẫn là DN có hiệu quả kinh doanh không đến nỗi. Công ty vừa quyết định tạm ứng cổ tức bằng tiền 2014 tỷ lệ 10%

Triển vọng lợi nhuận của DN cảng biển và dịch vụ kho bãi được dự báo tích cực trong thời gian tới. Theo phân tích mới đây của CTCK Bảo Việt (BVSC), ngành này sẽ được hưởng lợi trong trung và dài hạn, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).     

Tin bài liên quan