Khu vực Công viên nước (phần vạch đỏ) ở Vạn Phúc City vẫn chưa có hoạt động xây dựng nào

Khu vực Công viên nước (phần vạch đỏ) ở Vạn Phúc City vẫn chưa có hoạt động xây dựng nào

Doanh nghiệp kêu cứu vì sự phi lý trong quản lý đất đai - Bài 1: Vạn Phúc Group khốn đốn ở Vạn Phúc City

0:00 / 0:00
0:00
Các công trình phục vụ dân sinh trong dự án Vạn Phúc City của Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc bị ngưng trệ vì yêu cầu phải qua đấu thầu đất mà doanh nghiệp đã bỏ tiền túi ra bồi thường.

Lời tòa soạn: Hàng loạt dự án nhà chung cư thương mại gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý không chỉ khiến Nhà nước thất thu, chủ đầu tư thiệt hại tiền bạc, uy tín thương hiệu, mà người dân cũng bị tước đi quyền lợi. Thực tế tại các tỉnh phía Nam cho thấy, cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc tìm ra và thực hiện giải pháp tháo gỡ, để môi trường đầu tư không bị ảnh hưởng, nhất là trong giai đoạn hàng chục ngàn doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 như hiện nay.

Một phen “thất điên bát đảo”

Mới đây, Vạn Phúc Group bị một phen “thất điên bát đảo” trước thông tin nhiều công trình trong Dự án Vạn Phúc City (phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, có quy mô gần 200 ha, tổng mức đầu tư 2 tỷ USD) như Công viên nước… chưa được tổ chức đấu thầu, chưa chọn được nhà thầu, mà chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng.

Doanh nghiệp đã gửi văn bản tới cơ quan chức năng khẳng định, không có hoạt động xây dựng nào ở khu vực công trình Công viên nước và nơi đây vẫn đang là bãi đất trống được vây rào tôn nhằm đảm bảo an toàn.

Căn nguyên của việc công trình Công viên nước phục vụ dân cư Vạn Phúc City tới giờ chưa triển khai được là sự phi lý trong quy định của cơ quan chức năng.

“Công viên chuyên đề rộng 6,4 ha tại Vạn Phúc City được phê duyệt quy hoạch đầy đủ, nhưng đến khi triển khai thì thủ tục bị hướng dẫn lòng vòng, không hồi kết, kéo dài đã hơn 2 năm nay, vì chưa có tiền lệ. Thiệt hại cho doanh nghiệp và đối tác là rất lớn. Khổ nỗi, đây là đất do chủ đầu tư bồi hoàn, từng m2 đất được dùng vào mục đích quy hoạch công viên phục vụ cộng đồng, không phải đất công…”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc kinh doanh Vạn Phúc Group viết trên trang cá nhân.

Sau khi tìm hiểu nguồn cơn, đối chứng pháp lý, ngày 10/3 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã chủ động làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành liên quan, cùng UBND TP.HCM chỉ rõ những nghịch lý đang diễn ra ở Vạn Phúc City và nhiều dự án cùng cảnh ngộ khác.

Nhà đầu tư trong và ngoài nước đều thiệt hại

Được biết, để có hình hài Vạn Phúc City gần 200 ha như hiện nay, nhà đầu tư mất gần 20 năm chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan theo quy định.

Cụ thể, năm 2004, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 256/QĐ-UB giao đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị. Tới năm 2016, UBND TP.HCM có Văn bản số 5222 giao Dự án lại cho Vạn Phúc Group, do Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế quận 6 không có điều kiện để tiếp tục thực hiện.

Trong đó, Công viên nước rộng 6,4 ha là một trong những hạng mục được UBND TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 4353/QĐ-UBND ngày 12/8/2017. Không chỉ Dự án, mà chỉ riêng hạng mục Công viên nước phục vụ dân cư, Vạn Phúc Group đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng “tiền túi” đền bù để có đất sạch triển khai.

Vạn Phúc Group còn làm việc và được đối tác nước ngoài là Tập đoàn Daemyung (tập đoàn giải trí số 1 Hàn Quốc) đồng ý rót 300 triệu USD xây dựng thành công viên nước lớn nhất Đông Nam Á với sức chứa 10.000 người/ngày. Sau ký kết, là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, Tập đoàn Daemyung đã công bố dự án cho các nhà đầu tư.

Theo ông Lê Hoàng Châu, từ năm 2014 đến nay, các chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn TP.HCM không được quyền đầu tư các phần đất giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí (có mục đích kinh doanh) trong dự án. Vậy nên, chủ đầu tư không thực hiện được đầy đủ trách nhiệm xây dựng các cơ sở dịch vụ, tiện ích trong dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cũng không thực hiện được cam kết với khách hàng, dẫn đến xảy ra tình trạng khiếu kiện tại một số Dự án, gây mất trật tự xã hội và làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

Đầu năm 2018, đội ngũ kỹ sư của tập đoàn này đã bay qua Việt Nam với kế hoạch triển khai dự án trong 18 tháng là đi vào vận hành khai thác giai đoạn I. Trang thiết bị, máy móc phục vụ thi công Công viên nước đã được đặt từ châu Âu về. Tuy nhiên, tất cả đã phải dừng lại tới tận bây giờ, khiến không chỉ Vạn Phúc Group, mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng bị thiệt hại về cả vật chất và uy tín, thương hiệu.

Ngày 23/7/2018, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản 7990/VB-ĐT truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Thành phố lúc bấy giờ là ông Trần Vĩnh Tuyến với nội dung: giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận Thủ Đức và các đơn vị liên quan “khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư” thực hiện dự án Công viên nước, đồng thời hướng dẫn Vạn Phúc Group tham gia đấu thầu theo quy định.

Dù văn bản trên yêu cầu phải “khẩn trương tổ chức đấu thầu”, nhưng tới giờ này, Vạn Phúc Group vẫn chưa hề nhận được hướng dẫn đấu thầu nào.

Tới cuối năm 2020, trước các kiến nghị liên quan đến trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án xây dựng nhà ở, chung cư, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản 855/TB-VP ngày 25/11/2020 truyền đạt kết luận và chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Thành phố là ông Võ Văn Hoan.

Theo đó, UBND TP.HCM “khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định” đối với nhóm đất xây dựng công trình công cộng là công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục - thể thao.

Chỉ đạo trên đã phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng tới giờ, Công viên nước kỳ vọng lớn nhất của Vạn Phúc Group ở Vạn Phúc City vẫn phải chờ… hướng dẫn. Không chỉ công trình này, tại Vạn Phúc City, hàng loạt hạng mục tiện ích trường học khác với diện tích khoảng 5 ha cần được triển khai theo phê duyệt quy hoạch cũng bị tê liệt vì chờ hướng dẫn đấu thầu, đấu giá.

Khổ nỗi, việc xác định giá để ra mức đấu thầu lại rất… bất cập, bởi đây là đất do chủ đầu tư bỏ tiền túi bồi hoàn từng m2 đất và được dùng vào mục đích quy hoạch công viên phục vụ cộng đồng, không phải đất công. Vạn Phúc Group cũng là doanh nghiệp tư nhân, không phải doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước.

Chủ đầu tư không được đảm bảo quyền đầu tư kinh doanh

Trong Văn bản số 16/2021/CV-HoREA ngày 10/3/2021 gửi Thủ tướng và bộ, ngành liên quan, ông Lê Hoàng Châu phân tích về câu chuyện đang xảy ra ở Dự án Vạn Phúc City.

Ông Châu cho rằng, đã có các quy định pháp luật về “quyền của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại”, điển hình như Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư được quyền: “Thực hiện các quyền của người sử dụng đất và kinh doanh sản phẩm trong dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản; được thực hiện quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án theo quyết định chủ trương đầu tư dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Thế nên, theo ông Châu, chỉ đạo năm 2018 của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Công viên nước là bất cập.

“Tự bỏ vốn tạo lập, tự đầu tư kết cấu hạ tầng thì tại sao chủ đầu tư không được tự đầu tư kinh doanh? Quỹ đất này cũng không phải là “đất công”, thì tại sao lại được Nhà nước tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư”, ông Châu nêu.

Chưa hết, với chỉ đạo cuối năm 2020 của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (tại Thông báo số 855/TB-VP ngày 25/11/2020 của Văn phòng UBND TP.HCM) “gỡ khó” bằng giải pháp khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác, ông Châu cho rằng, chưa thực sự chính xác so với thực tế.

“Nghiên cứu văn bản này, HoREA nhận thấy, điểm bất cập là quỹ đất dự án, trong đó có công viên chuyên đề do Vạn Phúc Group tự bỏ vốn tạo lập, tự đầu tư kết cấu hạ tầng, không phải là đất công, thì tại sao ‘Nhà nước lập thủ tục quản lý’ và chỉ ‘khuyến khích’, mà lẽ ra là phải ‘ưu tiên’ cho chủ đầu tư dự án thực hiện đầu tư công trình này”, ông Châu cho biết.

Theo HoREA, câu chuyện của Vạn Phúc Group ở Vạn Phúc City không phải cá biệt, mà khá phổ biến, gây khốn đốn cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị. Vì vậy, cần phải có giải pháp quyết liệt của cơ quan chức năng để tháo gỡ, giữ gìn môi trường đầu tư minh bạch, sòng phẳng, hợp lý.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan