Trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ trực tiếp này, các doanh nghiệp cũng đã có câu hỏi bằng văn bản gửi cho Cục Hải quan TP. HCM và cơ quan này đã có văn bản trả lời.
Tuy nhiên, một số giải đáp vẫn chưa làm hài lòng doanh nghiệp, chẳng hạn như kiến nghị của Công ty TNHH SX Thức ăn chăn nuôi Đại Hưng. Công ty này cho biết, Công ty có nhập lô hàng theo tờ khai hải quan số 30, ngày 22/01/2014 với mặt hàng bắp hạt, là mặt hàng nông lâm thủy hải sản. Căn cứ vào Thông tư số 219/2013/TT-BTC (Khoản 1, Điều 4) thì mặt hàng bắp hạt thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Nhưng khi nhận hàng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép buộc phải nộp thuế GTGT cho lô hàng trên.
“Nay công ty chúng tôi muốn được hoàn lại số tiền thuế GTGT trên thì phải làm thủ tục như thế nào?”, đại diện của Đại Hưng nói. Câu hỏi này của Đại Hưng cũng là câu hỏi mà Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV thắc mắc.
Trong văn bản phúc đáp hai công ty trên, đại diện Cục hải quan TP. HCM đã trả lời rằng, căn cứ để cơ quan này tính thuế là Luật Thuế GTGT. Cụ thể, Khoản 2, Điều 8 Luật này quy định: “thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác” có thuế GTGT là 5%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó phòng thuế XNK Cục hải quan TP. HCM, vướng mắc của vấn đề trên là do cách hiểu về khái niệm, vì vậy, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các bộ liên quan như Bộ Công thương và Bộ NN&PT Nông thôn để thống nhất cách hiểu cho đúng vấn đề này. Sau khi hai bộ đã có thống nhất, Hải quan sẽ thông tin lại cho hai doanh nghiệp này để có hướng giải quyết dứt điểm và nếu được hoàn thuế thì Hải quan Thành phố cũng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục.
Ngoài việc làm rõ hơn những thắc mắc của doanh nghiệp về cách tính thuế và thông quan hàng hóa, tại cuộc đối thoại thường niên này, lãnh đạo Cục hải quan cũng đã cập nhật khá nhiều thông tin về các thủ tục hải quan mà cơ quan này sắp sửa triển khai. Cụ thể, ngày 19/5 tới đây, Cục sẽ triển khai hệ thống VNCCS/CVIS tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, khu vực 3 và Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng. Sau đó sẽ triển khai hệ thống này tới hầu hết các chi cục hải quan khác trên địa bàn TP. HCM.
VNCCS/CVIS là hệ thống thông quan hàng hóa tự động nhằm thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho hàng hóa xuất - nhập khẩu và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Hệ thống này được xây dựng và phát triển dựa trên hệ thống VACCS/CIS của hải quan Nhật Bản. Hệ thống này sẽ giúp cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan theo dõi quản lý tốt hơn đối với hàng hóa miễn thuế, hàng tạm nhập, tái xuất, hàng hóa xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên thông qua việc khai báo, theo dõi danh mục hàng hóa miễn thuế, hàng hóa tạm nhập, tái xuất…
Ngoài ra, địa diện Cục hải quan Thành phố cũng cho biết, từ ngày 12/4/2014, việc xác định trị giá hàng hóa của hải quan cũng có những thay đổi. Theo đó, những doanh nghiệp được xếp hạng từ 1 đến 5 (doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan hải quan thông báo doanh nghiệp đang xếp hạng mấy), nếu có nghi vấn giá tính thuế doanh nghiệp, cũng không cần đặt khoản tiền đảm bảo cho cơ quan hải quan mà cơ quan này vẫn thông quan với điều kiện doanh nghiệp đã nộp xong thuế.
Trong vòng 60 ngày, hải quan sẽ gửi thư mời doanh nghiệp đến để kiểm tra sau thông quan và giải trình những vấn đề cơ quan hải quan nghi ngờ.
Nếu giải trình được chấp nhận, giá tính thuế không bị điều chỉnh, còn không sẽ bị điều chỉnh và phải nộp thêm tiền phạt chậm nộp 60 ngày. Riêng doanh nghiệp xếp hạng 6 - 7, khi cơ quan hải quan nghi vấn giá tính thuế, doanh nghiệp phải đặt khoản đảm bảo, nhưng những đối tượng này được yêu cầu tham vấn giá.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM cho biết, ngành hải quan rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhưng hải quan chỉ là “gác cửa” cho các quy định của các bộ ngành, nên với những vấn đề liên quan đến quy định của các bộ, ngành thì doanh nghiệp nên trực tiếp phản ánh với những cơ quan đó, để việc giải quyết được nhanh và hiệu quả hơn. Bởi với những vấn đề này, ngành hải quan cũng phải chuyển lại các bộ, ngành có liên quan, chứ không thể trực tiếp giải quyết được.