Doanh nghiệp hàng không đối diện với thử thách khắc nghiệt chưa từng có

Doanh nghiệp hàng không đối diện với thử thách khắc nghiệt chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
Việc các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng đường hàng không của Việt Nam đang ở trong giai đoạn đặc biệt khó khăn là một thực tế không thể phủ nhận.

Trái với kỳ vọng về thị trường hàng không Việt Nam sẽ sớm phục hồi sau Covid-19, trên thực tế, các doanh nghiệp vận tải hàng không trong nước lại đang đối diện với những khó khăn không tưởng, với nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine, cộng với kinh tế toàn cầu suy thoái đã khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở nhiều thị trường, nhiều khu vực, trong đó có Đông Nam Á giảm mạnh. Nhìn ở góc độ hẹp hơn, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là có tốc độ phục hồi chậm nhất thế giới.

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh về giá dịch vụ giữa các hãng bay trên các đường bay nội địa ngày càng tăng cao do dư thừa cung tải cũng bồi thêm gánh nặng tài chính cho các hãng bay.

Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sản lượng vận chuyển khách nội địa trong tháng 6/2023 chỉ đạt 3,8 triệu lượt khách, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách quốc nội đạt 20,8 triệu lượt khách, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Một nghịch lý lớn của thị trường hàng không nội địa là ngay giữa cao điểm hè, nhưng giá vé tại các đường bay nội địa mà các hãng bay cung cấp lại thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, trong khi tất cả chi phí đầu vào của các hãng bay như nhiên liệu, tỷ giá, chi phí nhân công, chi phí tài chính… đều tăng mạnh.

Những hệ lụy nói trên đang khiến tất cả doanh nghiệp vận tải hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn. Lũy kế các khoản lỗ lớn hình thành từ giai đoạn Covid-19 đã đẩy một số hãng bay âm sâu vốn chủ sở hữu, xuất hiện nguy cơ không thể vận hành liên tục trong thời gian tới. Đó là chưa kể việc một số hãng đang đối diện với những vụ tranh chấp pháp lý phức tạp với các tổ chức tài chính, với đơn vị cho thuê tàu bay nước ngoài do không thể thanh toán theo đúng hợp đồng ký kết…

Thực trạng trên không chỉ gây khó cho doanh nghiệp hàng không, mà còn ít nhiều ảnh hưởng tới uy tín tài chính của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Cần phải nói thêm rằng, từ nhiều năm nay, do đời sống ngày một phát triển, nên việc di chuyển bằng đường hàng không đã trở nên quen thuộc với đại bộ phận người dân. Chính vì vậy, việc một hãng bay phải thu hẹp tần suất khai thác, thậm chí có thể phải tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn để cơ cấu lại là điều rất đáng tiếc, chắc chắn sẽ gây xáo trộn ít nhiều trong ngành vận tải hành khách, cũng như giao thương, phát triển kinh tế.

Thời gian qua, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh kích cầu du lịch thông qua kéo dài thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày cho du khách (có hiệu lực từ ngày 15/8/2023), Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đã và đang triển khai một số giải pháp hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khó khăn, trong đó mới nhất là việc Bộ Giao thông - Vận tải đang khẩn trương lấy ý kiến về nâng mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014 đối với 4/5 nhóm đường bay theo mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành.

Song, trong bối cảnh tình hình tài chính của các doanh nghiệp hàng không đang rất khó khăn, các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng hỗ trợ doanh nghiệp ngành này.

Thứ nhất, cần tiếp tục xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không. Ngoài ra, có thể hỗ trợ người lao động theo hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất cho vay với những doanh nghiệp gặp khó khăn; miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp hàng không về mặt pháp lý trong quá trình đàm phán với các chủ nợ và các đơn vị cho thuê tàu bay nước ngoài…

Thứ hai, tiếp tục xem xét, thực hiện điều tiết thị trường hàng không bền vững, bao gồm việc phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không mới; cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với tốc độ tăng trưởng của thị trường, nhất là trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi đầy đủ, bền vững…

Những chính sách này có thể chỉ giảm bớt phần nào khó khăn cho các hãng hàng không, nhưng ít nhất cũng giúp các doanh nghiệp trong ngành này cảm thấy ấm lòng, không đơn độc trong hành trình “bay vượt tâm bão”, được dự báo là rất khắc nghiệt.

Tin bài liên quan