Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo sẽ cấm các đơn vị khai thác hạ tầng thông tin quan trọng trong nước mua sản phẩm của công ty sản xuất chip Mỹ do rủi ro nghiêm trọng về an ninh mạng và an ninh quốc gia.
Theo Nikkei Asia, động thái của trung Quốc đã đẩy các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, một là tăng thị phần tại Trung Quốc và có thể khiến Mỹ nổi giận, hoặc hai là không làm vậy và có thể chọc giận Trung Quốc.
Hai công ty sản xuất chip của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix, hiện là hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, theo sau là Micron với vị trí thứ ba. Cả ba công ty đều có hoạt động kinh doanh đáng kể tại Trung Quốc, nhưng chỉ Samsung và SK Hynix có mạng lưới cơ sở sản xuất lớn ở quốc gia này.
Trong khi Micron bị các cơ quan quản lý Trung Quốc điều tra nhiều tháng qua, thì Samsung và SK Hynix đang mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Gần đây, Mỹ đã kêu gọi Hàn Quốc thúc giục các nhà sản xuất chip của nước này không tận dụng khoảng trống thị trường ở Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc ra lệnh cấm với sản phẩm của Micron.
Bất chấp những căng thẳng chính trị, một số chuyên gia phân tích cho rằng lệnh cấm đối với Micron là một cơ hội rõ ràng đối với Samsung và SK Hynix.
Ông Lee Seung-woo, nhà phân tích cấp cao tại Eugene Investment & Securities, cho biết, Samsung và SK Hynix có thể giành thêm nhiều thị phần mà Micron bỏ lại ở Trung Quốc. Đây là điều tích cực với họ và họ cũng đang ở vị thế tốt để có thể làm điều này.
Còn theo ông Mark Li, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein, kịch bản xấu nhất là Micron sẽ mất khoảng 11% doanh thu tại Trung Quốc do lệnh cấm, nhưng kịch bản này khó xảy ra. Nhiều khả năng mức thiệt hại về doanh thu của công ty Mỹ sẽ là một tỷ lệ một con số.
Ông Li cũng đồng tình với quan điểm rằng, Trung Quốc có thể tiếp cận các công ty Hàn Quốc để yêu cầu cung cấp thêm chip nhớ nhưng ông không chắc họ có sẵn sàng thực hiện yêu cầu đó hay không.
"Các nhà sản xuất chip nhớ nội địa của Trung Quốc kém cạnh tranh về mặt công nghệ và năng lực sản xuất. Trung Quốc sẽ phải tìm tới Samsung, SK Hynix, Kioxia, Western Digital hoặc các nhà cung cấp nước ngoài khác để thay thế Micron. Tuy nhiên, tất cả những công ty này đều đến từ các quốc gia là đồng minh của Mỹ và đều phụ thuộc vào thiết bị sản xuất chip nhập khẩu từ Mỹ. Do đó, chúng tôi cho rằng khả năng các nhà sản xuất chip nước ngoài làm ngơ trước áp lực từ Mỹ và tận dụng cơ hội từ lệnh cấm với Micron để tăng thị phần ở Trung Quốc là rất thấp", ông Li nhận định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã lên tiếng phản đối những nỗ lực nhằm ngăn cản các nhà sản xuất chip Hàn Quốc bán hàng ở Trung Quốc, đồng thời nhắc lại lập trường phản đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: "Những biện pháp hạn chế xuất khẩu đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, đồng thời làm suy yếu sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối hành vi này".
Ông Brady Wang, chuyên gia phân tích về bán dẫn tại Counterpoint Research, nhận định: "Chúng tôi ước tính lệnh cấm của Trung Quốc với sản phẩm của Micron sẽ chỉ tác động hạn chế với ngành công nghiệp chip nhớ toàn cầu, bao gồm cả các khách hàng của Trung Quốc. Bởi thực tế, thị trường nói chung vẫn đang chật vật vì tình trạng thừa cung trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại".
Theo Wang, nếu lệnh cấm kéo dài chẳng hạn trong vòng 2-3 năm hoặc kéo dài hơn thì các công ty Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ khoảng trống mà Micron để lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không ai biết lệnh cấm sẽ kéo dài bao lâu.
Samsung và SK Hynix hiện thống trị thị trường chip DRAM toàn cầu. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu TrendForce, hai công ty này lần lượt chiếm thị phần 40,7% và 28,8% trong quý IV/2022, theo sau là Micron với 26,4%. Chip DRAM được dùng trong mọi thứ từ TV đến điện thoại thông minh.
Samsung hiện có cơ sở sản xuất chip nhớ tại thành phố Tây An, Trung Quốc và một nhà máy phụ trợ ở Tô Châu. Còn SK Hynix có một cơ sở chip ở Vô Tích và một nhà máy NAND flash ở Đại Liên. Cả hai công ty đều đã được chính phủ Mỹ miễn trừ khỏi các biện pháp hạn chế xuất khẩu để có thể tiếp tục nhập khẩu thiết bị từ Mỹ cho cơ sở sản xuất của họ ở Trung Quốc.
Hãng chip Micron cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông báo của CAC về kết luận cuộc điều tra sản phẩm Micron ở Trung Quốc. Chúng tôi đang đánh giá kết luận và các bước tiếp theo. Chúng tôi mong muốn tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền của Trung Quốc".
Trung Quốc mở cuộc điều tra với Micron vào tháng 3 năm nay, sau khi Mỹ ký thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan - hai nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn trên thế giới để hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện phần lớn hoạt động sản xuất của Micron đặt bên ngoài Trung Quốc, dù vẫn có một cơ sở thử nghiệm, lắp ráp linh kiện và mô-đun ở Tây An. Theo báo cáo thường niên của Micron, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn nhiều năm qua, số lượng khách hàng có trụ sở tại Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm khoảng 16% tổng doanh thu của công ty trong năm 2022, giảm từ 18% của năm 2021 và năm 2020.