Trong 3 vị doanh nhân này, ông Lee Jae Hee đang tham gia điều hành một công ty của Hàn Quốc chuyên sản xuất bao bì, đã đi vào hoạt động từ 10 năm trước đây và hiện là một doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung, với quy mô 2.000 lao động.
Trong khi đó, ông Hong Nam Pyo đang cùng với GOMAX đeo đuổi dự án trường đua ngựa ở Vĩnh Phúc, quy mô 1,5 tỷ USD, mà Báo Đầu tư vừa có bài đề cập. Hiện tại, ông Hong đang tìm cách kết nối với các cơ quan chức năng của Việt Nam để đề xuất ý tưởng phát triển trang trại nuôi ngựa ở Việt Nam.
Còn ông S.T.Woo đang sống và làm việc tại Hàn Quốc, nhưng vẫn đang đi đi - về về nhằm hiện thực hóa kế hoạch xây dựng một nhà máy điện mặt trời trên hồ Ea-súp thượng (Đắk Lắk). Tháng 4 năm nay, Solarpark đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai dự án này với quy mô dự kiến khoảng 300-500 MW, vốn đầu tư từ 600 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi “ngõ ngách” của nền kinh tế Việt Nam, từ công nghiệp, xây dựng đến thực phẩm, kho vận, văn hóa - giải trí...
“Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Vì đây là dự án được xây dựng trên mặt nước, nên vốn đầu tư sẽ lớn hơn xây dựng trên mặt đất. Chúng tôi cũng đang cố gắng đàm phán để đạt được mức giá bán điện cao hơn”, ông S.T.Woo cho biết.
Rõ ràng, dù không muốn nhắc tới cụm từ “làn sóng”, bởi nó đã trở nên... nhàm chán khi giới truyền thông Việt Nam đề cập quá nhiều làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc hay Nhật Bản vào Việt Nam, thì cũng vẫn phải thừa nhận rằng, xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Bằng chứng ở con số gần 5,6 tỷ USD vốn FDI mà các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng qua. Bằng chứng ở quyết tâm đầu tư của ba nhà đầu tư nói trên. Và bằng chứng ở việc hàng loạt nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang tiếp tục bỏ vốn vào Việt Nam.
Cách đây hơn 1 tuần, LG Innotek, công ty con của Tập đoàn LG đã nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai Dự án Xây dựng nhà máy module camera, vốn đầu tư 550 triệu USD tại Hải Phòng. Như vậy, đây sẽ là dự án thứ ba mà LG đầu tư ở địa phương này. Dự án đầu tiên là khu tổ hợp sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Dự án này đã chính thức tổ chức lễ khánh thành vào tháng 3/2015, dù đã bắt đầu sản xuất từ tháng 10/2014.
Giữa năm nay, LG Display lại được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư dự án 1,5 tỷ USD, chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (OLED). Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2017. Và nay, thêm LG Innotek, tổng vốn đầu tư của LG tại Hải Phòng đã lên tới con số 3,55 tỷ USD, dù vẫn “thua” con số 15 tỷ USD mà “người đồng hương” Samsung dốc vào Việt Nam, song cũng là một mức đầu tư không hề nhỏ. LG cũng đang dần từng bước biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của mình, giống như cái cách mà Samsung đã và đang làm để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của họ.
Trong khi đó, hồi tháng 3 vừa qua, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CJ Việt Nam cho biết, trong năm 2016, CJ sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của CJ tại Việt Nam đạt mốc 900 triệu USD. Khoản vốn này sẽ được CJ đầu tư theo hai hình thức, là đầu tư xây dựng nhà xưởng mới và đẩy mạnh việc mua bán - sáp nhập (M&A), cũng như mở rộng hệ thống các rạp chiếu phim CGV. Và đúng là không lâu sau đó, CJ đã đeo đuổi việc mua cổ phần ở Vissan và xúc xích Đức Việt. Tuy nhiên, ở thương vụ với Vissan, CJ đã “thua” Masan, còn ở thương vụ với xúc xích Đức Việt, CJ lại đã buộc phải “nhường chỗ” cho một người “đồng hương” khác là Daesang Corp.
Cho đến thời điểm này, chưa nhiều thông tin chính thức được công bố, song việc ông chủ sở hữu thương hiệu Miwon chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng) mua lại 99,99% cổ phần CTCP Thực phẩm Đức Việt (Đức Việt) đã không còn khiến dư luận ngạc nhiên nữa.
Rõ ràng, xu hướng đầu tư mới, cộng với sự tham gia của các tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Doosan, Kumho, Posco, Lotte, GS, Hyosung trước đây, cũng như việc càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với tư cách là các nhà đầu tư vệ tinh cho Samsung, LG..., thì doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi “ngõ ngách” của nền kinh tế Việt Nam, từ công nghiệp, xây dựng đến thực phẩm, kho vận, văn hóa - giải trí...
Và với vốn đầu tư lũy kế hiện đã lên tới trên 50 tỷ USD, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư... vô đối. Sẽ khó có nhà đầu tư nào có thể đuổi kịp Hàn Quốc để vượt lên vị trí dẫn đầu. Hơn thế, theo nhận định của GS -TSKH. Nguyễn Mại, chuyên gia về FDI, thì điều quan trọng là FDI của Hàn Quốc hoàn toàn phù hợp với định hướng mới của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn FDI. Rất nhiều dự án quy mô lớn của Hàn Quốc, ví như Samsung, LG đã trở thành động lực tăng trưởng và phát triển cho một vùng kinh tế Việt Nam.
“Việc Hàn Quốc đã viện trợ cho Việt Nam xây dựng Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIS), cũng như cam kết chuyển giao hơn 100 công nghệ nguồn và hỗ trợ Việt Nam xây dựng vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ cũng đã chứng minh vai trò to lớn của đồng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam”, GS - TSKH. Nguyễn Mại nói.
Mặc dù vậy, rất thành thật, ông S.T.Woo cho rằng, không ít nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tới Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ. “Nhưng nếu chỉ nghĩ tới điều đó, mà không mang công nghệ hiện đại, không mang tri thức và chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam, thì rất có thể đến một lúc nào đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ bị các nhà đầu tư Nhật, Mỹ… đẩy ra khỏi Việt Nam”, ông S.T.Woo nhận định.