Doanh nghiệp “hạ điểm” chính quyền cấp tỉnh

Doanh nghiệp “hạ điểm” chính quyền cấp tỉnh

(ĐTCK) Có khá nhiều điểm bất ngờ tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 (PCI 2012), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 14/3.

Doanh nghiệp “hạ điểm” chính quyền cấp tỉnh ảnh 1Lần đầu tiên  kể từ khi điều tra PCI  năm 2005 đến nay, không có địa phương nào đạt điểm số xuất sắc

 

Lần đầu tiên không có “Xuất sắc”

Được công bố năm thứ 8 liên tiếp, PCI 2012 phản ánh cảm nhận của 8.053 DN dân doanh trong nước và 1.540 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, về chất lượng điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh năm 2012 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả điều tra PCI 2012 có khá nhiều điểm bất ngờ.

Đầu tiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban, phụ trách Ban Pháp chế, VCCI, thành viên nhóm nghiên cứu PCI 2012, đó là: điểm số PCI 2012 giảm mạnh so với năm 2011, từ 59,15 điểm xuống còn 56,2 điểm. Đây là điểm số thấp nhất kể từ khi quy chuẩn lại điểm số năm 2009. Đặc biệt, không có một địa phương nào đạt đến ngưỡng 65 điểm - điểm số dành cho tỉnh có chất lượng điều hành “Xuất sắc”. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra kể từ khi điều tra PCI lần đầu năm 2005 đến nay.

Là địa phương đứng đầu PCI 2012, nhưng Đồng Tháp cũng chỉ đạt điểm số PCI là 63,79 điểm. Với mức điểm này, Đồng Tháp xếp trong nhóm có điểm số PCI “Tốt” trong năm 2012 cùng với 16 tỉnh, thành khác trên cả nước. Tiếp sau vị trí số 1 là An Giang, Lào Cai, Bình Định, Vĩnh Long… Kết quả điều tra PCI 2012 còn cho thấy sự nổi trội của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khi trong Top 5 địa phương đứng đầu thì có tới 3 tỉnh thuộc khu vực này.

Từ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2011, Lào Cai đã rơi xuống vị trí thứ 3 trong PCI 2012. Một lần nữa, Long An và Bắc Ninh đều nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước. Bình Định, Vĩnh Long, dù tụt hạng trong năm 2011, nhưng năm 2012 đã lấy lại phong độ của những năm trước đó.

Mặt khác, điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu PCI trong nhiều năm liền như Đà Nẵng và Bình Dương, trong bảng xếp hạng PCI 2012 có sự sụt giảm rõ rệt, lần lượt đạt 61,71 điểm và 59,64 điểm. Với điểm số này, Đà Nẵng xếp thứ 12, vẫn nằm trong nhóm tỉnh có điểm số PCI “Tốt”, trong khi Bình Dương xếp thứ 19 đã rơi vào nhóm có điểm số và chất lượng điều hành “Khá”...

Cũng theo ông Tuấn, PCI 2012 còn phản ánh diễn biến trái chiều tại hai đầu cầu kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong khi TP. HCM có bước tiến đáng kể, khi từ vị trí 20 năm 2011 vươn lên thứ 13 trong bảng xếp hạng PCI 2012. Ngược lại, Thủ đô Hà Nội từ vị trí 36 năm 2011 rơi xuống vị trí 51 trong năm 2012. Điều đáng báo động là vị trí này của Hà Nội ngấp nghé rơi vào nhóm các tỉnh có điểm số PCI ở mức “Trung bình”.

Top 5 địa phương có chỉ số PCI 2012 thấp nhất lần lượt là Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn và Kon Tum…

Được ví như “Nhiệt kế doanh nghiệp”, PCI 2012 phản ánh tâm lý bi quan hơn nhiều về triển vọng kinh doanh của cả DN trong và ngoài nước. Theo cảm nhận của các DN, năm 2012 có rất nhiều lĩnh vực có mức độ cải cách kém hơn các năm trước như: rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh; tính năng động và thái độ của lãnh đạo tỉnh với khối tư nhân giảm sút; mức độ sử dụng dịch vụ hỗ trợ DN của tỉnh và sự hài lòng với chất lượng dịch vụ...

 

Tham nhũng biến tướng

Kết quả điều tra PCI 2012 phản ánh một thực trạng đáng lo ngại khác, đó là sự thay đổi trong hình thức tham nhũng. Tuy tham nhũng vặt đã giảm bớt, nhưng tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm. Có 41% số DN được hỏi cho biết đã trả hoa hồng cho cán bộ nhà nước có liên quan để giành được hợp đồng, tăng rất mạnh so với mức 23% của năm 2011. Tỷ lệ DN tham gia hối lộ trong mua sắm công rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ của DN, ngành nghề và mức độ tập trung của ngành. DN quy mô vừa có xu hướng trả hoa hồng nhiều nhất. Trong năm 2012, lĩnh vực mua sắm công mà DN trả hoa hồng nhiều nhất cho cán bộ nhà nước là xây dựng cơ bản, chiếm 42,5%; tiếp đến là dịch vụ/thương mại: 35,4%; sản xuất: 34,1%.

“DN tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN thực hiện nhiều hoạt động này có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn…”, ông Tuấn phân tích, đồng thời đánh giá, tỷ lệ tham nhũng có xu hướng gia tăng khi chủ DN có mối quan hệ với cán bộ chính quyền. Tuy nhiên, mối quan hệ này ít phổ biến hơn đối với các DN mới hoạt động.

 

Doanh nghiệp FDI giảm niềm tin

“Có một điểm đáng quan ngại trong kết quả điều tra PCI 2012 là kể từ khi bắt đầu khảo sát CPI - FDI từ năm 2010 đến nay, chưa bao giờ niềm tin và hiệu quả kinh doanh của DN FDI lại thấp đến như vậy...”, Đại sứ Hoa Kỳ David B.Shear bày tỏ lo lắng, đồng thời cho hay, chỉ có 33% DN FDI có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh trong 2 năm tới. Lợi nhuận, vốn và mức tăng trưởng quy mô lao động cũng thấp hơn so với nhiều năm gần đây…

Nhóm nghiên cứu cũng phản ánh, các DN nhìn nhận việc nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB bị bắt ngày 20/8/2012 là một “cú sốc”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đây thực sự là “cú sốc” đối với cả TTCK và thị trường vàng. Trong vòng 20 ngày sau sự kiện bầu Kiên bị bắt, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giảm một nửa. Các nguyên nhân khiến DN sụt giảm niềm tin là do quan ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô…        

GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI 2012

Lần đầu tiên trong cuộc điều tra PCI 2012, nhóm nghiên cứu sổ sung thêm nội dung điều tra về rủi ro chính sách. Theo kết quả điều tra, DN FDI cảm nhận, rủi ro mà họ quan ngại nhất trong năm qua là bất ổn kinh tế vĩ mô. Tiếp đến là các quan ngại về rủi ro thu hồi đất, rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách…

Kết quả điều tra PCI 2012 còn cho thấy, các DN FDI e ngại cơ quan quản lý đặt ra các yêu cầu về giấy phép mới hơn là mức tăng 10% chi phí do quy định mới về sản lượng nội địa hóa. Lý do của quan ngại này là bởi yêu cầu giấy phép mới tăng cơ hội cho việc nhận hối lộ, giảm cạnh tranh ngành.

Các DN FDI do người Việt Nam quản lý có chiến lược ứng phó rủi ro rất khác so với các DN FDI do người nước ngoài điều hành. Các DN FDI do người Việt Nam quản lý có xu hướng xây dựng quan hệ, vận động quan chức chính quyền hơn là cố gắng đơn phương bảo vệ mình. Họ coi những mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng đối với mô hình kinh doanh của mình. Đặc biệt, trong việc sử dụng chi phí không chính thức, các DN FDI do người Việt Nam điều hành tỏ ra thành công hơn so với các DN do người nước ngoài quản lý.

 

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Để vươn lên vị trí đứng đầu PCI 2012, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều biện pháp trong những năm qua, với tâm nguyện chính quyền luôn nhận phần khó khăn về mình, để dành tối đa thuận lợi cho cộng đồng nhà đầu tư, DN.

Hàng năm, lãnh đạo UBND tỉnh luôn đối thoại trực tiếp với DN. Các cuộc đối thoại này mang tính thực chất, chứ không hình thức. Chính quyền tỉnh luôn cầu thị lắng nghe, đón nhận đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN. Chúng tôi không ngại lắng nghe những ý kiến gay gắt từ phía DN, bởi chính quyền tỉnh Đồng Tháp luôn nhìn nhận, với tư duy nhạy bén, những kiến nghị, đề xuất của DN đối với tỉnh là những đóng góp có giá trị lớn nhất cho cung cách điều hành của chính quyền tỉnh. Trên cơ sở những ý kiến của DN, từ lãnh đạo tỉnh đến cấp huyện, xã luôn thường xuyên căn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, để thường xuyên thay đổi cung cách phục vụ DN.

Ngoài thường xuyên nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, tỉnh Đồng Tháp còn luôn coi trọng tiết giảm tối đa thời gian, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho DN. Tuy nhiên, chúng tôi còn rất day dứt, bởi vẫn còn nhận được nhiều than phiền về thái độ, việc làm chưa đúng mực của một bộ phận cán bộ, công chức, gây khó khăn cho người dân và DN. Chính quyền tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải tiến mối quan hệ hợp tác giữa chính quyền và DN, để tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi xác định thái độ thân thiện, cởi mở, tác phong linh hoạt, năng động, nhiệt tình cùng sự trung thực, tận tụy của cán bộ chính quyền sẽ mang lại niềm tin cho DN, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

“Doanh nghiệp FDI quan ngại nhất là bất ổn kinh tế vĩ mô”
“Nhận khó khăn về chính quyền, dành thuận lợi cho DN”