Giá nguyên liệu và nhân công trong ngành dệt may đang tăng mạnh.

Giá nguyên liệu và nhân công trong ngành dệt may đang tăng mạnh.

Doanh nghiệp gồng mình dưới áp lực chi phí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí đầu vào tăng mạnh đang tạo gánh nặng lớn với các doanh nghiệp sản xuất.

Gánh nặng chi phí

Sau năm 2021 chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) đã khôi phục trở lại công suất các nhà máy. Đầu ra cho sản phẩm của TCM nói riêng, các doanh nghiệp dệt may nói chung đang khá thuận lợi khi đơn hàng tăng mạnh, làm không hết việc.

Tuy vậy, giải quyết được bài toán nhân công, phục hồi sản xuất thì Công ty lại đứng trước thách thức lớn về chi phí đầu vào. Công ty Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam nhận định, giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản tăng mạnh, đặc biệt từ khi xung đột Nga - Ukraine kéo theo giá sợi tăng mạnh. Ngoài ra, chi phí vận tải tiếp tục tăng cao và phát sinh thêm các chi phí phòng chống dịch Covid-19 và tái bố trí hoạt động sản xuất.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho biết, năm nay, nhiều doanh nghiệp dệt may có kế hoạch mở rộng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, nhưng gánh nặng chi phí đang cản trở kế hoạch này.

Việc tăng giá bán để bù đắp cho đà tăng của chi phí đầu vào cũng có độ trễ, bởi doanh nghiệp sản xuất muốn điều chỉnh giá bán phải tổng hợp, đề xuất tới khách hàng các nguyên nhân tăng giá. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, có trường hợp điều chỉnh giá xong khách hàng vừa phê duyệt thì giá điều chỉnh đã lỗi thời vì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng quá nhanh.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, phải đến nửa cuối năm 2022, khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường, câu chuyện thiếu container rỗng mới có thể được giải quyết, còn hiện tại logistics vẫn là vấn đề của các nhà xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng.

Theo các chuyên gia, giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm. Do đó, ước tính, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm.

Tại TCM, doanh thu hai tháng đầu năm 2022 đạt 28.611.312 USD, tăng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 1.688.040 USD; biên lợi nhuận là 5,8%. Chi phí sản xuất và đầu vào năm 2022 tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ (6,9%).

Ở ngành xây lắp, giá vật liệu xây dựng tăng 30 - 40%, một số loại còn tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà thầu điêu đứng.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, biến động giá đang là vấn đề lớn và nếu không có giải pháp kịp thời, nhà thầu sẽ hụt vốn, khó đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, tại hai dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây, theo công bố giá và chỉ số giá của các địa phương năm 2021 thì hai dự án này điều chỉnh theo hợp đồng tăng 5 - 7%, nhưng tính theo trượt giá thực tế thì phải tăng 17 - 18%.

Các nhà thầu đã trúng thầu những gói cố định như đang “ngồi trên đống lửa”.

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) là nhà thầu tại hai dự án Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo- Phan Thiết. Vinaconex cũng đang chịu áp lực lớn khi chi phí đầu vào tăng cao, giá nguyên vật liệu tăng, chi phí nhân công tăng.

“Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất cho các công ty Việt Nam trong tháng 3 là về giá cả. Chi phí đầu vào đã tăng mạnh nhất trong gần 11 năm khi chi phí mua dầu và khí đốt tăng sau khi chiến tranh nổ ra. Điều này đã làm tiêu tan hy vọng rằng áp lực lạm phát có thể dịu đi trong những tháng tới”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global nói.

Căng mình chống chọi

Gặp áp lực lớn về chi phí đầu vào cũng là câu chuyện của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã SHI). Giá nhôm – nguyên liệu đầu vào của sản xuất xe máy điện - đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, theo ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Sơn Hà, “chúng tôi còn gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy”.

Nếu như trước đây, thời gian vận chuyển một chuyến hàng từ Hàn Quốc hay Trung Quốc về Việt Nam chỉ mất 10 - 20 ngày thì nay phải mất tới 40 ngày. Việc Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch khiến tình trạng ách tắc tại cảng trầm trọng hơn. Với sản phẩm Thái Dương Năng, đáng lẽ kỳ này là thấp điểm sản xuất, mọi năm vật tư rất dễ sẵn, nhưng năm nay lại gặp khó khăn về nguồn cung.

“Điều này rất đáng ngại trong khi chúng tôi phải lo đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa”, ông Tân trải lòng.

Để giải quyết khó khăn, Sơn Hà một mặt hối thúc nhà cung cấp đẩy nhanh tiến độ giao hàng, một mặt gia tăng tồn kho nguyên vật liệu đầu vào.

Đồng thời, Công ty đang tập trung mở rộng hệ thống phân phối với 4 showroom xe máy điện được mở ở 4 tỉnh, thành phố được xác định là trung tâm về tiêu thụ xe máy điện và 100 đại lý, 200 điểm bán.

Lãnh đạo Sơn Hà cho biết, có đối tác đã đặt vấn đề xuất khẩu xe máy điện của Sơn Hà sang châu Âu. “Đây là tín hiệu tốt cho thị trường xe máy điện. Châu Âu là thị trường khó tính cho xe máy điện. Ngoài xuất khẩu xe máy điện, chúng tôi còn xuất khẩu động cơ điện”, ông Hùng nói.

Với lĩnh vực dệt may, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, xu hướng dài hạn chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn vẫn đang diễn ra. BSC cũng kỳ vọng trong năm 2022, Việt Nam được hưởng lợi hơn so với các quốc gia đối thủ

(Bangladesh, Myanmar) nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao và chính trị ổn định.

Để giải bài toán áp lực về chi phí đầu vào tăng cao, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng, dù chi phí sản xuất tăng nhưng doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, ổn định lao động chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất đến cuối năm và giữ được khách hàng.

Năm 2022, TCM đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh với mục tiêu tương ứng đạt 4.182 tỷ đồng (tăng 120%) và 253,8 tỷ đồng (tăng 188%) so với mức thực hiện của năm ngoái.

Con đường hồi phục của các doanh nghiệp sản xuất sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trở nên vất vả hơn khi gánh nặng chi phí lớn hơn.

Tin bài liên quan