Việc có nên thuê nhân sự từ bên ngoài nắm giữ các vị trí quan trọng tại doanh nghiệp luôn là đề tài tranh luận nóng bỏng, nhất là ở khi vị trí được nhắm đến là giám đốc tài chính (CFO) - vị trí được xem là người nắm giữ những con số bí mật tài chính tại doanh nghiệp.
Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Bài toán người ngoài” phát sóng ngày 24/9 vừa qua đã rất khéo léo khi khai thác đề tài này, bởi xu hướng phổ biến tại các công ty gia đình hiện nay là thường muốn thành viên gia đình nắm giữ vị trí CFO do tầm quan trọng và tính nhạy cảm vì công việc này liên quan trực tiếp đến việc quản lý tiền bạc của gia đình.
Tình huống mà chương trình đưa ra diễn ra tại một doanh nghiệp gia đình đang dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng sau gần 20 năm gây dựng và phát triển đang có kế hoạch thuê một CFO chuyên nghiệp, nhưng vấp phải sự phản đối của các cổ đông.
Thực chất, doanh nghiệp này đi lên từ một xưởng sản xuất và thành công có được là nhờ quá trình luôn cải tổ theo hướng chuyên nghiệp trong bộ máy quản trị và điều hành, mà điển hình là việc “dám” thuê CEO giỏi từ ngoài vào. Với nhiều đóng góp cho sự phát triển của công ty, CEO hiện đã trở thành một cổ đông nhỏ của doanh nghiệp.
Ở vị trí này, CEO đã suy nghĩ tới việc tiếp tục đưa doanh nghiệp phát triển một cách chuyên nghiệp hơn và đề xuất thay CFO hiện tại của công ty.
Vị trí trên hiện do em vợ của Chủ tịch HĐQT nắm giữa từ 10 năm trước, nhưng qua thời gian, CEO nhận thấy năng lực của CFO này có nhiều hạn chế và không đáp ứng được những yêu cầu cao và chuyên nghiệp hơn về tài chính quản trị. Theo CEO, việc thuê CFO chuyên nghiệp là rất cần thiết, bởi vị giám đốc tài chính hiện tại đang dừng lại ở công việc của một kế toán trưởng.
Không đồng tình với đề xuất đó, các thành viên HĐQT cho rằng, ngoài vấn đề CFO này là người thân trong gia đình, thì vị trí trên rất nhạy cảm do nắm giữ và biết rõ những bí mật tài chính những giao dịch và thông tin liên quan đến các thành viên trong gia đình. Việc thay đổi vị trí của một người chủ chốt có nhiều năm gắn bó sẽ gây phản ứng trong nội bộ gia đình và dẫn đến những hệ lụy khác.
Sau khi chương trình lên sóng, trên Fanpage của chương trình CEO - Chìa khóa thành công, đông đảo khán giả đã bình luận để thảo luận về tình huống này.
Đứng về phe ủng hộ CEO, bạn Triệu Hường cho rằng, CFO có kinh nghiệm sẽ giúp nghiên cứu, phân tích, xây dựng các kế hoạch, chiến lược tài chính, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn một cách khéo léo và bài bản. Trong khi đó, cũng không ít khán giả ủng hộ quan điểm của HĐQT.
Bạn Bảo Nam lập luận: “Nếu giám đốc tài chính hiện tại có yếu kém thì nên tìm trợ lý giúp đỡ. Không nên giao các công việc liên quan đến tài chính cho người ngoài”.
Tuy vậy, với tình huống khó như thế vậy, có lẽ, các khán giả không dễ đưa ra lập luận đủ đanh thép hoặc một phương án đủ hài hòa để có thể thuyết phục một trong hai bên đồng ý.
CEO của chương trình là ông Phạm Mạnh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ulytan đã phải tìm đến sự tư vấn của 2 chuyên gia để tìm lời giải cho tình huống trên. Đó là ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Saigon Books và bà Nguyễn Phi Lan, Phó tổng giám đốc dịch vụ kiểm toán và đảm bảo Công ty PwC Việt Nam. Hai vị chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp nào cho CEO? Tất cả sẽ được bật mí tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này. Tất nhiên, những giải pháp mà 2 vị chuyên gia đưa ra cũng là những gợi ý hữu ích cho các doanh nghiệp.