Đại dịch thúc đẩy chuyển giao quyền lãnh đạo
Bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch Công ty TNHH Dệt may An Phước (An Phước) cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, bà đang ở nước ngoài nên con trai là Trần Minh Khoa vốn chỉ làm kinh doanh thay mình quản lý doanh nghiệp với 6.000 công nhân.
“Thế hệ F2 không theo cha mẹ làm như cũ, mà tiếp cận theo cách khác, cho nhân viên học công nghệ để hiện đại hóa sản xuất. Sau dịch, chúng tôi nâng cấp máy móc, bù lại 1.000 nhân sự về quê không quay trở lại. Với hệ thống quản trị, em ấy (con trai) xin bố mẹ ngân sách để nâng cấp. F1 như chúng tôi cũng phải cởi mở để chấp nhận cái mới, cho phép tự động hóa, số hóa. Mình là người Á Đông, con cái trưởng thành bao nhiêu vẫn nghĩ nó bé, lúc nào cũng sợ doanh nghiệp mất vốn, nhưng giờ phải chấp nhận để cho con cái trưởng thành”, bà Điền chia sẻ.
Theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (công ty đã đầu tư vào 65 công ty và dự án ở Việt Nam, trong đó có 17 công ty gia đình), có 2 vấn đề chính mà các doanh nhân trẻ quan tâm là tài chính và đầu tư, mối quan tâm đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) thấp hơn.
Trong khi đó, phần đông nhà đầu tư là các quỹ vẫn muốn doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, nhưng gần đây dần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố quản trị và sự đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư lớn có xu hướng nhìn vào một công ty quan tâm đến quản trị kinh doanh, nhất là công ty gia đình quản trị như thế nào. Thực tế cho thấy, 60% công ty trên thế giới là công ty gia đình, họ cung cấp nhiều triệu công ăn việc làm cho xã hội. Thế hệ kế nghiệp (Next gen) thường chịu nhiều thách thức hơn thế hệ trước.
Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Tập đoàn Alphanam nhận xét, Next gen của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam khá tương đồng với thế giới. Thế hệ kế cận được thụ hưởng tinh hoa, giáo dục tiến bộ trên thế giới, nhưng cũng được trui rèn qua không ít khó khăn, thách thức. Điều quan trọng là mở rộng cách nhìn vấn đề đa chiều, cân nhắc góc nhìn của thế hệ đi trước, đồng thời lắng nghe góp ý của các chuyên gia, xem xét bức tranh toàn cầu hóa.
“Lời giải cho những thách thức, tôi cho rằng đến từ sự đa dạng hóa. Dung hòa đầu tiên phải trong gia đình đã”, bà Mỹ nói.
Ưu tiên cho kinh doanh
Khảo sát mới nhất của PwC cho thấy, tại Việt Nam, 53% Next gen được khảo sát chọn tăng trưởng kinh doanh là ưu tiên số một. Họ đang tham gia tích cực vào việc đổi mới công nghệ và số hóa, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu và khu vực.
Khảo sát về Next gen năm 2022 của PwC là một khảo sát toàn cầu được thực hiện tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm Việt Nam) về các thành viên thế hệ kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình. Mục tiêu của khảo sát nhằm tìm hiểu thế hệ kế nghiệp đang suy nghĩ như thế nào về các vấn đề quan trọng ngày nay, vai trò của họ và những vai trò mà họ nghĩ rằng nên thực hiện.
Ông Johnathan Ooi, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam chia sẻ: “Khảo sát Next gen năm 2022 của PwC đưa ra cái nhìn rõ nét hơn về những động lực, ưu tiên và nỗi băn khoăn của Next gen, những nhà lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam. Được rèn giũa sau 2 năm đại dịch Covid-19, Next gen tại Việt Nam đang trải qua một hiện thực mới, với những thách thức mới như nhu cầu phát triển, chuyển đổi và học hỏi ngày mạnh mẽ hơn, đồng thời viễn cảnh kế thừa ngày càng trở nên hiện hữu. Hơn bao giờ hết, Next gen có khả năng định hình doanh nghiệp gia đình và tạo ra ảnh hưởng khi đảm trách công việc quản lý doanh nghiệp của họ”.
Mức độ tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ và số hóa của nhân sự kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cao hơn so với mức trung bình toàn cầu.
Đại dịch đã thực sự rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong doanh nghiệp gia đình. Các thế hệ giao tiếp, trao đổi nhiều hơn và giúp Next gen tham gia tập trung vào một mục tiêu chung: thúc đẩy tăng trưởng để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định và bền vững. 71% Next gen Việt Nam cho biết, trong đại dịch Covid-19, các thành viên trong gia đình trao đổi với nhau nhiều hơn về vấn đề kinh doanh, cao hơn đáng kể so với kết quả toàn cầu (56%) và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (57%). Riêng vấn đề giao tiếp với thế hệ lãnh đạo đương nhiệm thì chỉ có 42% Next gen nhận thấy có sự cải thiện.
Về khả năng thành công trong tương lai của doanh nghiệp gia đình, đa số Next gen xác định, công nghệ là yếu tố chính giúp thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả khảo sát chỉ ra mức độ tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ và số hóa của Next gen Việt Nam cao hơn so với mức trung bình toàn cầu, xét cả 4 lĩnh vực: áp dụng công nghệ mới, nâng cao kỹ năng số, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chú trọng an ninh mạng.
Các Next gen mong muốn trở thành tác nhân thay đổi. Họ nhìn thấy cơ hội thu hẹp khoảng cách với thế hệ lãnh đạo đương nhiệm về cơ hội và rủi ro liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu và khu vực.
Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp gia đình tập trung lên kế hoạch kế nghiệp. Hiện nay, quá trình chuyển giao trong doanh nghiệp gia đình đã được quan tâm nhiều hơn và đi kèm với các hành động thực tế. 58% Next gen Việt Nam nhận thức rõ về việc lập kế hoạch kế nghiệp và phần lớn trong số đó tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch chuyển giao.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình và tư nhân PwC Việt Nam, chuyển giao thế hệ là một quá trình đầy thách thức, nhưng không nên là công việc của riêng thế hệ lãnh đạo đương nhiệm.
Nhiều người thường lo ngại về vấn đề “quản trị cấp trên” (managing-up), nhưng trên cơ sở tôn trọng và giao tiếp hiệu quả, đó là quá trình rất quan trọng đối với Next gen, giúp họ khẳng định bản sắc, vị trí và đạt được khát vọng sự nghiệp.
Trường hợp đảm nhận vai trò lãnh đạo khi mà thế hệ lãnh đạo đương nhiệm hiện tại vẫn đang “cầm trịch”, 61% Next gen Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc chứng tỏ bản thân ở vị trí lãnh đạo mới hoặc ở vai trò thành viên hội đồng quản trị, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới và khu vực (đều là 45%).
Về vai trò và trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, 68% Next gen cho rằng, doanh nghiệp họ có trách nhiệm chống lại biến đổi khí hậu và các hậu quả liên quan, cao gấp ba lần so với thế hệ lãnh đạo đương nhiệm (21%).
Liên quan đến ESG, 77% các Next gen kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp chú trọng hơn vào các khoản đầu tư cho phát triển bền vững, bởi hiện tại chỉ 11% đang thực sự hành động.
Bên cạnh đó, 58% Next gen sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu tác động từ doanh nghiệp gia đình đến môi trường trong tương lai (tỷ lệ hiện tại là 21%).
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, động thái đón nhận các mục tiêu liên quan đến ESG sẽ tạo ra một đợt thay đổi mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp, được thúc đẩy bởi kỳ vọng lớn từ các bên liên quan, cam kết từ phía chính phủ và làn sóng đầu tư vốn.
Động thái này sẽ không gây ra bất cứ mâu thuẫn nào giữa lợi nhuận và mục đích. Các doanh nghiệp gia đình nên xem ESG là một vấn đề cấp bách, vì lợi ích của hành tinh, con người và thành công trong tương lai của chính họ.