Trong giai đoạn cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay, câu chuyện chuyển giao quyền lực tại các doanh nghiệp Việt trở thành đề tài được quan tâm hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là chuyển giao tài sản, mà là chuyển giao cả một sự nghiệp được xây dựng trong rất nhiều năm trời.
Nếu như ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản đã đào tạo thành công thế hệ doanh nhân nối nghiệp là con của họ như Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My hay Lê Thị Hoàng Yến, thì nhiều doanh nghiệp gia đình khác vẫn còn đang “loay hoay” trong việc lựa chọn người kế nghiệp.
Dĩ nhiên, con cháu luôn được ưu tiên trong việc lựa chọn và đào tạo để nối nghiệp gia đình, nhưng điều này dường như không còn là ưu tiên hàng đầu bởi những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về lớp kế cận của các chủ doanh nghiệp trước tham vọng tạo ra những doanh nghiệp có tầm khu vực, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Vấn đề lựa chọn người kế nghiệp cũng là bài toán được “đưa lên bàn cân” cho một doanh nghiệp gia đình đang sở hữu chuỗi thẩm mỹ viện có thương hiệu uy tín trên thị trường. Bên cạnh chất lượng dịch vụ, công nghệ kỹ thuật hiện đại, yếu tố làm nên thành công cho doanh nghiệp còn đến từ sự tham gia của thế hệ con cháu lãnh đạo doanh nghiệp.
Đặc biệt là phải kể đến con ruột của CEO, một bác sỹ thẩm mỹ đã tu nghiệp loại giỏi ở nước ngoài và có 3 năm làm việc tại thẩm mỹ viện của gia đình. Với trình độ chuyên môn cao cùng niềm đam mê với nghề, bác sỹ này đã chứng minh được năng lực chuyên môn vượt trội của mình, được các đồng nghiệp và xã hội ghi nhận. Bác sỹ này cũng đã dành nhiều công sức, thời gian để xây dựng và phát triển các gói sản phẩm mới, đem lại sự tăng trưởng cho doanh nghiệp, tạo đà thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh.
Trước tình hình đó, HĐQT, bao gồm cả CEO, nhận thấy, đây là thời cơ chín muồi để mở rộng kinh doanh và chuẩn bị quá trình chuyển giao cơ nghiệp cho thế hệ con cháu. CEO đề nghị, sắp tới sẽ đưa con cháu tham gia các hoạt động điều hành doanh nghiệp, chuẩn bị để chuyển giao vị trí điều hành cao nhất cho những người đã khẳng định được năng lực, trong đó có vị bác sỹ thẩm mỹ nổi tiếng.
Tuy nhiên, đề nghị này đã vấp phải sự phảm đối của các thành viên HĐQT còn lại. Họ cho rằng, một bác sỹ giỏi không có nghĩa sẽ là một CEO giỏi, bởi điều hành hệ thống thẩm mỹ viện không đơn giản giỏi chuyên môn là đủ, mà còn cần phải có khả năng và tố chất kinh doanh.
Các thành viên HĐQT đánh giá, trong bối cảnh thị trường thẩm mỹ viện cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp cần có một người điều hành giỏi về kinh doanh để chèo lái doanh nghiệp. Thế hệ con cháu vốn chỉ được đào tạo về chuyên môn thì cần để họ tập trung vào chuyên môn.
Trước ý kiến này, CEO lập luận, kinh doanh trong lĩnh vực thẩm mỹ thì đội ngũ bác sỹ chuyên môn là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. “Biến các thẩm mỹ viện thành những cỗ máy kiếm tiền bằng việc đưa một CEO giỏi kinh doanh, nhưng không có sự am hiểu về chuyên môn thì sẽ làm mai một những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”, CEO quả quyết.
Vậy giải pháp nào là phù hợp với bệnh viện này và CEO sẽ thuyết phục các cổ đông ra sao? Theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Bài toán kế thừa” có thể sẽ mang lại những gợi mở hay cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn người kế thừa, bởi tình huống của doanh nghiệp nói trên chính là bài toán mà CEO phải xử lý trong Chương trình.
Người chơi ngồi ở vị trí CEO lần này là bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Euroha. Doanh nhân Nguyễn Thị Dung cũng là nhân vật xuất hiện trên chuyên mục Gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư trong số này.