Doanh nghiệp gặp khó trong thực thi Luật Doanh nghiệp

Doanh nghiệp gặp khó trong thực thi Luật Doanh nghiệp

(ĐTCK) Đánh giá về tình hình thực thi Luật Doanh nghiệp 2014 sau 1 năm đi vào triển khai thực hiện, các chuyên gia trong Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho biết, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc khiến không chỉ các doanh nghiệp mà ngay bản thân các cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương cũng lúng túng trong quá trình thực hiện.

Tại hội thảo Triển khai Luật Doanh nghiệp và những nội dung về doanh nghiệp xã hội do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, thành viên Tổ công tác cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn tới những khó khăn, vướng mắc khiến quá trình triển khai Luật còn hạn chế: thứ nhất, bản thân Luật Doanh nghiệp 2014 có vướng mắc, các luật chuyên ngành tạo ra các rào cản; thứ hai, việc triển khai thực thi có vướng mắc; thứ ba, vướng mắc, tồn tại chậm được tháo gỡ.

“Phần lớn vướng mắc là do các luật chuyên ngành tạo ra, mâu thuẫn, không tương thích với Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Luật, nhiều cơ quan quản lý không hiểu, không nắm vững, vẫn giữ tư duy cũ, không nhìn thấy được lợi ích lâu dài, thấy thuận cho mình thì khen, không thuận cho mình thì chê”, ông Hiền nói và chia sẻ thực tiễn triển khai thực hiện tại Hải Dương đối với quy định về việc góp bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do quy định giữa các văn bản pháp luật có sự mâu thuẫn nên các cơ quan thực thi tại địa phương rất lúng túng trong quy trình thực hiện giữa việc doanh nghiệp cần thực hiện góp bổ sung vốn điều lệ trước rồi mới đăng ký hay ngược lại.

“Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ phải hoàn thành việc tăng vốn rồi mới đi đăng ký. Thế nhưng, nhiều ngân hàng thương mại căn cứ Thông tư 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho rằng, mức vốn đó phải được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, thậm chí đánh đồng luôn là vốn điều lệ, nghĩa là phải đi đăng ký trước, sau đó mới chuyển tiền về để góp vốn”, ông Hiền nói.

Tình trạng bế tắc trong việc xử lý hậu quả tồn đọng của những dự án đầu tư bị thu hồi hiện nay cũng được đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương nêu lên như một ví dụ về những vướng mắc trong việc thực hiện tại các địa phương. Do chưa thống nhất được cách thức xử lý đối với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài bỏ trốn, mất tích nên có những doanh nghiệp có các khoản nợ lớn, hoặc sở hữu những khu đất giá trị, nhưng cơ quan chức năng ở địa phương chủ yếu tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và bước tiếp theo làm gì thì chưa rõ.

Liên quan việc thu hồi dự án, ông Hiền cho hay, có một quy định bất hợp lý là sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giải thể doanh nghiệp thì những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp sẽ do các cổ đông của doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Quy định như vậy khiến việc triển khai trên thực tế rất khó khăn.

Trước thực tế này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn giữa chính sách và thực hiện trong việc thực thi pháp luật về đầu tư kinh doanh, do đó kết quả triển khai thực thi ở mức thấp so với yêu cầu. Theo ông Cung, đó cũng là lý do khiến yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc bán vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn đến nay vẫn chưa được thực hiện.

“Nếu vẫn cứ giữ tư duy cũ, coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo thì không biết đến bao giờ mới giải quyết được những vấn đề này. Cần đổi mới tư duy, có quyết tâm hành động đúng, từ đó mới tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh”, ông Cung nhấn mạnh.

Tin bài liên quan