Doanh nghiệp gạo gia tăng lợi thế tiêu thụ

Doanh nghiệp gạo gia tăng lợi thế tiêu thụ

(ĐTCK) Xuất khẩu và tiêu thụ gạo nội địa đang có triển vọng tích cực, đặc biệt là nhóm sản phẩm có giá trị cao. Các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lương thực đang tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất.

Ðại diện Vinafood1 cho biết, trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tự do, nhưng từ đầu năm 2019, Trung Quốc siết lại kênh phân phối bằng cách cấp chứng chỉ cho 22 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang nước họ.

Do Trung Quốc nâng thuế mạnh, nên các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các thị trường khác, giúp ngành gạo của Việt Nam đa dạng hóa thị trường.

Ðặc biệt, thị trường lớn là châu Phi năm nay sẽ có nhu cầu lớn về gạo. Năm trước, Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi tới 115 triệu tấn gạo, chủ yếu là gạo cũ, giá rẻ, nhưng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, họ đã ngừng các hoạt động xuất khẩu gạo.

Nhu cầu của thị trường châu Phi sẽ tăng trở lại. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay tăng hơn 20 USD/tấn, tức tăng ít nhất 8% so với cùng kỳ năm ngoái.    

Dự báo, năm 2020, Việt Nam sản xuất được 28 triệu tấn gạo, trong đó 75% phục vụ tiêu dùng nội địa, 25% xuất khẩu (khoảng 6,5 - 7 triệu tấn).

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo cả nước đạt 895.000 tấn, giá trị 410 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và tăng 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.  

Tại Hội nghị về an ninh lương thực ngày 19/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn dự báo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), sản lượng lúa gạo thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn do dịch Covid-19 tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Ðộ.

Mặt khác, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể tăng 3,7 triệu tấn, vì nhiều nơi mua để tích trữ.

Do đó, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa vụ thu - đông lên khoảng 800.000 ha, tăng 50.000 ha so với năm ngoái.

Xu hướng này được nhận định sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo.

Tập đoàn Lộc Trời (LTG) chia sẻ, đây là cơ sở để Tập đoàn xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu 8.840 tỷ đồng, lãi sau thuế 430 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2019.

Năm nay, Lộc Trời dự kiến doanh số phân khúc gạo cao cấp sẽ tăng 3 lần so với năm ngoái. Doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, tập trung vào các thị trường EU, Philippines, châu Phi, Trung Quốc.

Lộc Trời đang xây dựng, chuẩn hóa quy trình, đặc biệt là quy trình mua nguyên liệu đầu vào để quản lý hiệu quả hàng tồn kho, kiểm soát các tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua tỷ lệ thu hồi (trong khâu sấy và khâu xay xát), tiêu chuẩn hao hụt lưu kho.

Sản xuất và tiêu thụ gạo tăng mạnh sẽ giúp các mảng hoạt động khác của doanh nghiệp như kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng khởi sắc. Riêng về giống lúa, Lộc Trời sẽ tăng thị phần các giống lúa bản quyền như OM 9577, OM 18 và các giống lai 27P31, 27P53.

Dự báo, năm nay, ngành gạo có thể đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Lãnh đạo Vinafood 1 cho biết, Tổng công ty đang tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để thực hiện 2 mục tiêu, vừa thu mua xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

Ðại diện Tổng công ty Hapro cho hay, hiếm có khi nào đang vào vụ thu hoạch mà gạo tăng giá đều ở tất cả các phân khúc do đầu ra thuận lợi. Giá xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 12 tháng qua.

Các công ty phân bón cũng tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản lượng. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng urê đạt 157.000 tấn, vượt 17% kế hoạch 2 tháng, hoàn thành 20% kế hoạch năm.

Theo PVCFC, Nhà máy Ðạm Cà Mau hiện duy trì hoạt động liên tục với công suất bình quân đạt 110%, sản lượng sản xuất cao vượt dự kiến. Thị trường gạo cả xuất khẩu và nội địa sôi động, giá bán lúa gạo tăng đều ở tất cả các phân khúc sẽ là nền tảng tốt để nông dân mở rộng diện tích, chống đỡ với hạn mặn.    

Tin bài liên quan