Doanh nghiệp FDI xuất khẩu 2,7 tỷ USD sản phẩm xơ sợi

0:00 / 0:00
0:00
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3,7 tỷ USD của ngành xơ sợi trong năm 2020, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 2,7 tỷ USD, cho thấy, doanh nghiệp FDI đang nắm "phần hồn" của ngành sản xuất này.
Doanh nghiệp FDI nắm phần lớn ngành sản xuất xơ sợi, khi đóng góp tới 2,7 tỷ/3,7 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2020.

Doanh nghiệp FDI nắm phần lớn ngành sản xuất xơ sợi, khi đóng góp tới 2,7 tỷ/3,7 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2020.

Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu xơ sợi trong năm 2020 đạt 3,7 tỷ USD, giảm 10,5% về giá trị nhưng tăng 1,2% về số lượng so với năm 2019.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục nắm giữ "phần hồn" của ngành sản xuất sợi. Cụ thể, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt gần 1,2 triệu tấn, tương đương 2,7 tỷ USD.

FDI vào ngành xơ sợi trong những năm qua đã tăng rất mạnh, điển hình là dự án của các Tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kong. Tại Việt Nam, riêng Tập đoàn Texhong đã đầu tư các nhà máy phân bố ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), KCN Texhong Hải Hà (Quảng Ninh)... Hay, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, 100% vốn đầu tư của Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sợi vải mành - nguyên liệu làm lốp xe ô tô, sợi spandex, sợi ny-lông..tại Việt Nam trong gần 15 năm qua...

Năm 2020 là năm khó khăn cho ngành xơ sợi, ngoài việc phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch toàn cầu, ngành xơ sợi còn phải chịu ảnh hưởng do các vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Trong năm 2020, ngànhxơ sợi đã bị Hoa Kỳ và Ấn độ tiến hành điều tra chống bán phá giá và Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tự vệ toàn cầu.

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), từ cuối năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp xơ sợi đều không có đơn hàng mới từ thị trường Trung Quốc hoặc khách trả giá thấp. Các thị trường khác như Hàn Quốc, nhật Bản, Ai Cập, Thổ nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan tuy vẫn có đơn hàng nhưng số lượng rất ít, đồng thời giá bán vẫn theo xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Nguyên nhân do sự cạnh tranh về giá từ các đối thủ, có dấu hiệu phá giá để tránh tồn kho, đồng thời Trung Quốc bán ra thị trường lượng bông dự trữ với số lượng lớn khiến giá bông giảm mạnh.

Giá xuất khẩu bình quân của xơ sợi trong năm qua đạt khoảng 2.150 USD/tấn, giảm 11,6% so với năm 2019, trong đó, giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh gần 10%, ảnh hưởng chung đến giá xuất khẩu của toàn ngành.

Xuất khẩu xơ sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm do tác động tiêu cực từ các vụ việc áp thuế chống lẩn tránh đối với sợi POY và chống bán phá giá đối với sợi dún polyester và sợi nhân tạo. Đây cũng là thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam.

Thị trường Ấn độ cũng có sự giảm sút do tác động tiêu cực từ vụ việc áp thuế chống bán phá giá của Ấn Độ áp từ cuối năm 2018 đối với sợi nylon Filament yarn nhập khẩu từ Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này năm 2020 giảm từ vị trí thứ 5 xuống đứng thứ 11 trong các thị trường xuất khẩu xơ, sợi của Việt Nam, chỉ đạt 41,1 triệu USD, giảm 66,6% so với năm 2019, đạt 1,1% trong tổng xuất khẩu xơ, sợi.

Trong khi hầu hết các thị trường xuất khẩu giảm thì có 3 thị trường tăng trưởng mạnh là Đài Loan, Hoa Kỳ và Pakistan với mức tăng trưởng lần lượt là 76,5%, 55,7%, 153% về lượng và 50,4%, 38,5%, 73,1% về giá trị. Tuy vậy, với sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh sang Hoa Kỳ, ngành hiện nay đang bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester (polyester textured yarn - PTY) nhập khẩu từ Việt Nam.

Tin bài liên quan