Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, do Tổng cục Thống kê vừa lần đầu tiên công bố, thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sự vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước, cũng như doanh nghiệp nhà nước về lợi nhuận, cũng như các chỉ số về hiệu suất sinh lợi, dù doanh thu thấp hơn.
Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất - kinh doanh đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của doanh nghiệp (tăng 17,5%).
Trong đó, nếu theo loại hình doanh nghiệp, thì tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2017 đạt 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 20,2% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,1%, tăng 20,6%; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 15,1%, tăng 9,1%.
Còn nếu tính về doanh thu, thì theo Sách trắng, giai đoạn 2016-2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm khu vực này tạo ra 10,8 triệu tỷ đồng, chiếm 56,4% doanh thu toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 64,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 5,3 triệu tỷ đồng, chiếm 27,8%, tăng 74,7 %; khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, chiếm 15,7%, tăng 5%.
Như vậy, nếu xét về doanh thu thuần và doanh thu, thì đứng đầu là doanh nghiệp ngoài nhà nước, tiếp đó đến doanh nghiệp FDI và cuối cùng là doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, nếu tính về lợi nhuận, thì “bảng xếp hạng” đã có sự thay đổi khá rõ ràng. Khu vực FDI đã giành ngôi quán quân.
Cụ thể, theo Sách trắng, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; còn khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Số liệu của Sách trắng doanh nghiệp cũng cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2017, mỗi năm khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 199 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm 25,1% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 15,8% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 239,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,2%, tăng 137,9%; còn khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 355,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,7%, tăng 91,6%.
Không chỉ đứng đầu về lợi nhuận, mà các doanh nghiệp FDI cũng bỏ xa khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước về hiệu suất sinh lợi.
Theo đó, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 2,9%. Nhưng nếu chia theo loại hình, khu vực doanh nghiệp nhà nước có ROA đạt 2,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 1,8%, còn khu vực doanh nghiệp FDI đạt 7%.
Trong khi đó, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ doanh nghiệp năm 2017 đạt 10%. Nếu doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu 11,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 6,0%, thì khu vực doanh nghiệp FDI đạt 18,1%.
Một con số khác: hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 4,2%. Nhưng nếu tính theo loại hình doanh nghiệp, thì con số là 6,4% với khu vực doanh nghiệp nhà nước; 2,5% với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và 6,6% với khu vực doanh nghiệp FDI.