Khu vực doanh nghiệp FDI hiện đóng góp 73,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng.
Đây là nhận định của Bộ Công thương khi đánh giá về hoạt động xuất khẩu trong năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%.
Xuất khẩu cán đích 355,5 tỷ USD, đồng nghĩa không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%).
Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Năm ngoái, xuất khẩu toàn nền kinh tế đạt 371,3 tỷ USD, trong đó, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 275,9 tỷ USD (tương ứng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Như vậy, so với năm ngoái, mức sụt giảm xuất khẩu của khu vực FDI năm 2023 lên tới 15,95 tỷ USD.
Khu vực FDI có vai trò rất lớn đối với tăng trưởng của nền kinh tế, thể hiện rõ qua đóng góp doanh thu xuất khẩu, tạo việc làm, hình thành chuỗi cung ứng trong các ngành xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là điện tử, máy móc, dệt may, giày dép…
Thực tế cho thấy, xuất siêu của Việt Nam liên tục lập kỷ lục trong những năm qua là nhờ sự đóng góp đáng kể của khu vực FDI.
2023 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, cũng là mức xuất siêu kỷ lục nhất từ trước tới nay, với 28 tỷ USD. Trong nhiều lĩnh vực đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, thì FDI nắm đến 99%.
Cụ thể, khu vực FDI chiếm 99,6% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại; hơn 98% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính; 93% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc, hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may...
Việt Nam đã lọt top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, với đóng góp lớn của khu vực FDI. Dòng vốn lớn đổ vào sản xuất đã tạo nền tảng để có tăng trưởng, đưa Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt 730 tỷ USD vào cuối năm 2022, nhưng năm 2023, dưới tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu và thương mại yếu đi, xuất nhập khẩu đã tuột mốc 700 tỷ USD, xuống còn 683 tỷ USD.