Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chủ động đề ra các giải pháp để ổn định sản xuất, giữ chân người lao động
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Scavi (doanh nghiệp 100% vốn Pháp, trụ sở chính tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai) không tỏ ra quá bất ngờ về thông tin chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.
Theo ông Thành, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may nên để phù hợp với sự tăng trưởng của doanh nghiệp và giữ chân lao động có tay nghề cao, nhiều năm qua, Scavi đã chủ động tăng lương hàng năm và có những thời điểm cao hơn so với mức lương tối thiểu theo quy định.
Tuy nhiên, với mức tăng lương tối thiểu năm 2016, tổng quỹ lương sẽ tăng thêm hơn 1 tỷ đồng cộng với khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội tăng tương ứng.
“Scavi có lợi thế là không bán hàng trong nước nên không bị ảnh hưởng của tăng biên độ của tỷ giá vừa qua, nhưng việc tăng lương tối thiểu vào năm tới sẽ có những tác động nhất định”, ông Thành nói.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, hiện có khoảng 500 doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại tỉnh Bình Dương.
Theo bà Trang, việc tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp dệt may bởi trong các chi phí của doanh nghiệp thì quỹ lương chiếm tỷ trọng rất lớn.
Mức tăng lương tối thiểu đã được quyết định cao hơn nhiều so với đề xuất của doanh nghiệp dệt may, nhưng theo bà Trang, các doanh nghiệp sẽ tuân thủ theo luật, nhưng trong cuộc chơi này các doanh nghiệp FDI chịu ít thiệt thòi hơn doanh nghiệp trong nước.
Lý do là, các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… thường nhập nguyên phụ liệu của doanh nghiệp nước họ. Bên cạnh đó, mọi thanh toán thường quy đổi theo giá USD nên ít bị tác động từ chênh lệch tỷ giá.
Nhìn nhận ở góc độ quản lý nhà nước về lao động, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban quản lý Các khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, cùng chịu tác động của việc tăng lương tối thiểu thì doanh nghiệp trong nước “đuối” hơn doanh nghiệp FDI.
Theo ông Cường, phần lớn các doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính tốt hơn, có sẵn thị trường từ trước khi quyết định đầu tư, bài toán về quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp và nhân sự… cũng tốt hơn doanh nghiệp nội.
“Việc tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, mở rộng đầu tư của doanh nghiệp FDI”, ông Cường nói và cho biết, dù thông tin về việc tăng lương tối thiểu đã rậm rịch từ nhiều tháng nay, song các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may vẫn chủ động triển khai kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất để đón những cơ hội khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Không có nghĩa doanh nghiệp FDI không phải chịu những tác động tiêu cực. Theo ông Cường, sẽ có ít nhất 2 vấn đề mà doanh nghiệp FDI phải đối mặt, đó là giảm bớt lợi nhuận và lo lao động nhảy việc.
Thực tế tại Đồng Nai, sự cạnh tranh về lao động đã diễn ra từ nhiều năm nay nên doanh nghiệp cũng có kinh nghiệm hơn. Do đó, dù là doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn, song giải pháp về ổn định lao động sẽ vẫn là có chính sách lương hợp lý so với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực trên địa bàn và cải thiện đời sống cho người lao động.
Về vấn đề này, đại diện của Scavi cho biết, cùng với việc tăng lương thì tăng năng suất lao động từ 1 đến 2% so với hiện nay là việc cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo cuộc sống cho người lao động.
“Scavi đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư hệ thống làm mát hiện đại tại các xưởng sản xuất vài năm nay và sắp tới là lo chỗ ở cho công nhân”, ông Thành nói và cho biết, ngay sau khi được bố trí mặt bằng, Scavi sẽ triển khai đầu tư khu chung cư cho công nhân của Công ty và đó sẽ là yếu tố để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.