Đường chất đống trong kho
Ngành mía đường đang vào cao điểm vụ sản xuất, những cánh đồng mía căng đầy vị ngọt chờ thu hoạch đưa vào chế biến, những dây chuyền đang chạy hết công suất, nhưng nỗi lo đường ế, giá giảm đang đè nặng lên người trồng mía và các doanh nghiệp ngành đường.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (21/2/2018, tức mùng 6 Tết), Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi cán bộ, nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, ủng hộ tiêu thụ lượng đường tồn kho của Công ty Mía đường Cần Thơ (đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang) nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hơn 30.000 tấn đường do công ty này sản xuất đang nằm im trong kho, chưa tìm được đầu ra.
Hậu Giang là một trong những vựa mía chính của cả nước, sở hữu diện tích trồng mía lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với 14.000 ha. Ngay từ đầu năm 2018, địa phương này đã đối mặt với bài toán tiêu thụ khó khăn báo hiệu một năm kinh doanh nhiều nhọc nhằn của người làm mía đường.
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuno) cho biết, thời gian gần đây, các đại lý, cơ sở chế biến thực phẩm có tâm lý trù trừ, không muốn nhập đường để chờ nguồn hàng giá rẻ hơn khi thuế suất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN về mức 0% khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018. Các công ty mía đường trong nước đang khổ sở vì tâm lý giao thời này.
Thực tế, chưa biết khi nào thuế suất nhập khẩu đường mới chính thức về 0%, nhưng trước mắt các công ty mía đường trong nước đang chịu cảnh cạnh tranh trực tiếp với đường nhập lậu giá rẻ ồ ạt tràn vào. Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ khẳng định, việc này gây ảnh hưởng lớn nhất đến các doanh nghiệp và một trong những nguyên nhân chính khiến đường tồn kho cao. Doanh nghiệp như Casuco phải chịu thêm áp lực thuê kho bãi chứa hàng, khiến chi phí đội lên.
Hiện giá đường tinh luyện của các doanh nghiệp đường nội trên thị trường hiện dao động trong khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg, là mức rất rẻ nhưng vẫn khó tiêu thụ. Sản phẩm đường của các công ty trong nước đang phải cạnh tranh trực tiếp với đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam đang được bán trên thị trường với giá 11.500 đồng/kg. Nếu thuế suất nhập khẩu đường nội khối ASEAN về 0%, lượng đường nhập lậu, theo một số ước tính, có thể lên tới 400.000 tấn có thể “đường đường chính chính” cạnh tranh với đường sản xuất trong nước
Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cũng đối mặt với khó khăn chung của ngành khi tiêu thụ đường chậm lại. Lũ lớn hồi tháng 10/2017 tại Thanh Hóa khiến Công ty bị ảnh hưởng nặng nề, lượng hàng tồn kho tăng. Tính đến ngày 31/12/2017, tồn kho của Lasuco đạt xấp xỉ 534 tỷ đồng.
Áp lực cạnh tranh tăng lên, trong khi tại Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) giá vốn của mảng đường tăng cao trong năm 2017, ước tăng 57,8% so với năm 2016. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp của mảng đường tại QNS chỉ đạt 49,9 tỷ đồng, giảm 84,1% so với mức 314,6 tỷ đồng của năm 2016.
Ghi nhận tại nhà sản xuất đường số 1 Việt Nam là Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh (SBT), lượng đường tồn kho cũng tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2017, lượng hàng tồn kho tại Công ty đạt 1.956 tỷ đồng, tăng hơn 620 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, riêng đường thành phẩm tăng gần 560 tỷ đồng, lượng tồn kho nguyên liệu tăng 120 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đường loay hoay vượt khó
Tìm hiểu một vài doanh nghiệp đang kinh doanh ngành mía đường, người viết đều nhận được câu trả lời “rất khó khăn”. Hiện nay, tồn kho của ngành đường cả nước tính đến tháng 12/2017 còn hơn 200.000 tấn, trong khi đó, các doanh nghiệp lại chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp trên sân sân nhà với đường ngoại.
Việc kêu gọi người dân, doanh nghiệp giải cứu Công ty Mía đường Cần Thơ như cách làm của tỉnh Hậu Giang chỉ là giải pháp tạm thời. Xét về dài hạn, khi nước ta mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới, cách làm ấy không thể cứu được các doanh nghiệp trong nước. Cạnh tranh về giá là bài toán phát triển tốt nhất, nhưng để làm được điều này dài ngành cần có những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm yếu của ngành mía đường nhiều năm nay.
Lo ngại sẽ bị “hạ đo ván” ngay trên sân nhà luôn thường trực với các doanh nghiệp trong nước khi sản phẩm đường của các nước trong khu vực ASEAN tràn vào Việt Nam với giá rẻ hơn, nhất là đường của Thái Lan, Indonesia.
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1/1/2018, hạn ngạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN còn bằng 0%. Tuy nhiên, hiện nay thuế nhập khẩu đường vẫn chưa chính thức về 0%. Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Lasuco cho biết, tiêu thụ đường trong năm qua rất chậm và tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Các đại lý đang chờ thông tin chính thức từ ATIGA nên không nhập đường dự trữ, tiêu thụ đường chậm lại, cùng với đó doanh nghiệp đối mặt với tình trạng đường nhập lậu nên tồn kho gia tăng.
Theo ông Thành, doanh nghiệp ngành đường đang chịu nhiều áp lực bủa vây, cạnh tranh về giá khốc liệt, trong khi đó giá đường thế giới có xu hướng giảm.
“Chúng tôi đưa ra kế hoạch doanh thu năm 2018 tăng trưởng hơn 10%, nhưng tình hình kinh doanh quá khó khăn, không chắc có thể đạt được kế hoạch đề ra”, ông Thành nói
Trước đó, LSS đưa ra mục tiêu năm 2017 - 2018 đạt 2.380 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,6% so với doanh thu đạt được năm nay; lợi nhuận trước thuế ước đạt 125 tỷ đồng (tăng không đáng kể so với mức thực hiện trong niên độ 2016 - 2017 là 123 tỷ đồng); phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 12%.
Theo Phó Chủ tịch LSS, các doanh nghiệp ngành đường trong nước cần tập trung cắt giảm chi phí, gia tăng sức cạnh tranh; tích cực phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành để chống tình trạng nhập lậu đường về Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mía đường trong nước phát triển sản xuất – kinh doanh bởi đây là ngành có ảnh hưởng đến bộ phận không nhỏ người nông dân. Hiện 80% chi phí giá là để mua mía từ người dân, giúp doanh nghiệp cũng là giúp dân cải thiện đời sống.
“Thái Lan có một luật về mía đường, có cơ chế, chính sách riêng giúp doanh nghiệp mía đường, trong khi doanh nghiệp mía đường Việt Nam vẫn phải loay hoay tự xoay xở”, ông Lê Trung Thành nói.
Cùng chung quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành đường cho Báo Đầu tư Chứng khoán biết, doanh nghiệp mía đường Thái Lan được hỗ trợ cho vay lãi suất 0%, hỗ trợ giống mía cho nông dân và bảo hộ thị trường trong nước. Theo vị lãnh đạo này, chính vì được hỗ trợ từ Nhà nước, nên giá nguyên liệu cho một kg đường tại Thái Lan là 700 - 750 đồng, trong khi tại Việt Nam là 950 – 1.000 đồng. Giá đường thành phẩm của Thái Lan đang bán tại thị trường Việt Nam rẻ hơn 1.000 đồng/kg so với đường sản xuất trong nước.
“Các doanh nghiệp đường trong nước cần giảm giá nguyên liệu đầu vào mới hy vọng cạnh tranh với đường ngoại”, vị lãnh đạo này cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá mía tại Thái Lan chỉ khoảng 30 USD/tấn thì mía tại Việt Nam có giá lên gần 50 USD/tấn.
Thực tế, nguyên liệu mía chiếm đến 70 - 80% giá thành sản xuất đường nên cải thiện giá nguyên liệu đầu vào sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh được về giá.
Cùng với tiết giảm chi phí để hạ giá thành, nhiều doanh nghiệp đã tính tới bài toán thay đổi công nghệ để tiết kiệm thời gian, chi phí, sản xuất ra đường có giá rẻ hơn. Tỉnh Hậu Giang cũng đưa ra lộ trình đến năm 2020 sẽ hạ giá thành mía từ 750 đồng/kg xuống còn 500 đồng/kg, đồng thời tập trung đưa cơ giới vào các khâu sản xuất mía, giảm giá thành chi phí nhân công.
Để doanh nghiệp trụ vững trên sân nhà trước sân chơi hội nhập, thiết nghĩ, ngành mía đường cần có những cuộc lột xác thực sự với những bước tái cơ cấu mạnh mẽ từ quy hoạch vùng nguyên liệu, cơ giới hóa thu mua đến quy trình sản xuất, tiêu thụ.