Theo quy định tại Thông tư 123/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/10/2015, những DN nằm trong diện được nới room 100% sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP có thể nới room mà không cần xin ý kiến của ĐHCĐ, chỉ cần nộp một số hồ sơ cần thiết lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để chứng minh là doanh nghiệp thuộc diện được phép nới room.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, trong ngành chứng khoán, được xác định có thể nới room lên 100% mới có SSI công bố thực hiện mở room ngay từ ngày 1/9. Một số DN niêm yết khác cũng đã xin ủy quyền cho HĐQT được phép quyết định tỷ lệ nới room tối đa cho NĐT nước ngoài khi luật pháp cho phép. Hay CII sắp họp ĐHCĐ bất thường bàn nhiều nội dung, trong đó có nới room…
Sở dĩ, các DN chưa tích cực thực hiện mở room bởi một phần là do chờ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với NĐT nước ngoài được ban hành. Trong khi một số DN cân nhắc kế hoạch mở room để tránh nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm, một bộ phận khác lại không quan tâm đến việc nới room bởi từ trước tới nay chưa từng được NĐT nước ngoài mua cổ phần.
Đối với ngành dược, thống kê sơ bộ cho thấy, trong 14 DN dược phẩm niêm yết, hiện có 4 DN đã hết room hoặc sắp hết room, gồm CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Dược phẩm Domesco (DMC) và CTCP Traphaco (TRA); 10 DN còn lại vẫn còn hở room khá nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DN dược đều chưa lên tiếng về việc mở room cho khối ngoại.
Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành, một trong những xu hướng cạnh tranh chính của ngành dược trên thế giới hiện nay là phát triển chuỗi nhà thuốc lớn, chiếm thị phần áp đảo như Walgreen tại Mỹ; Alliance Boots, LloydsPharmacy tại Anh; Mercury Drug, Watsons tại Philippines…
Phương thức hiệu quả nhất để phát triển chuỗi phân phối thuốc thường được các tập đoàn dược phẩm áp dụng là thông qua thâu tóm, sáp nhập các doanh nghiệp dược phẩm nhỏ hơn.
Khá nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia hiện đang nhòm ngó đến thị trường Việt Nam, thị trường với quy mô hơn 90 triệu dân và việc đầu tư cổ phần vào một số DN dược uy tín, có hệ thống phân phối rộng khắp nước, dây chuyển đạt chuẩn là con đường ngắn nhất, ít tốn chi phí nhất trong phát triển thị trường. Do vậy, nới room là câu chuyện đang được các DN ngành này cân nhắc thận trọng.
Tại IMP, chống thâu tóm, sáp nhập là vấn đề được HĐQT Công ty hết sức chú trọng. Hiện room với NĐT nước ngoài tại IMP đã gần cạn. Thời gian gần đây đã có một số tập đoàn doanh nghiệp dược phẩm lớn của nước ngoài đến đặt vấn đề trở thành cổ đông chi phối của Imexpharm.
Với cơ cấu cổ đông ngoại chủ yếu là các tổ chức đầu tư tài chính, sẵn sàng thoái vốn khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng, mối e ngại bị tập đoàn dược phẩm nước ngoài thâu tóm khi “chốt chặn” 49% với NĐT ngoại được dỡ bỏ của IMP không phải không có cơ sở.
Tình hình này cũng tương tự tại DHG và TRA, khi cơ cấu cổ đông ngoại cũng chủ yếu là các tổ chức đầu tư tài chính. Đây cũng là những DN đầu ngành, có thương hiệu lâu đời và hệ thống phân phối rộng khắp, vì vậy, được nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia để mắt tới.
Xu hướng thâu tóm trong ngành dược còn thấy rõ qua trường hợp CTCP Santedo (hiện đang sở hữu 99% CTCP Dược phẩm Duy Tân và 99% CTCP Dược phẩm Phano) đang có kế hoạch mua lại một số chuỗi cửa hàng phân phối dược phẩm khác tại Việt Nam.
Với DMC, hiện cổ đông ngoại CFR International đang sở hữu tới 45,94% vốn. Từ năm 2014, CFR bắt đầu can thiệp sâu vào hoạt động của DMC thông qua việc bổ nhiệm bà Lương Thị Hương Giang vào vị trí Tổng giám đốc Công ty. Ngoài ra, HĐQT nhiệm kỳ 2015-2018 có sự tham gia của ông Andrew Hamish Lane, đại diện Abbott (Mỹ).
Như vậy, nới room dường như chưa phải là nhu cầu với các DN dược nội địa. Vì thế, cơ hội để NĐT ngoại mua nhiều hơn các cổ phiếu ngành dược sẽ còn xa.