Từ “cháy nhà tứ phía”…
Covid-19 tràn vào Việt Nam đầu năm 2020 như cơn sóng thần, đánh trực diện vào ngành kinh tế xanh, ngay lập tức hạ gục các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ, sau đó là các hãng lữ hành quy mô vừa.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Covid-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch toàn cầu khoảng 2.000 tỷ USD trong năm 2021, tương đương năm 2020.
Còn tại Việt Nam, nếu như năm 2019, tổng doanh thu từ khách du lịch là 755.000 tỷ đồng, đến năm 2020 chỉ còn 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% so với 2019. Năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020. Đã có tới 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
Qua đại dịch, càng thấy rõ vai trò và sức ảnh hưởng mang tính tác động của ngành du lịch rất lớn vì là ngành kinh tế tổng hợp. Du lịch “đóng băng” kéo theo hàng chục ngàn doanh nghiệp ở các ngành hàng không, lưu trú, ăn uống... bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.
Theo kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước chịu tác động của Covid-19, trong đó, ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%.
Có thể nói, “cơn đại hồng thủy” Covid-19 lần thứ tư lớn nhất, nhiều đau thương nhất kể từ khi Covid-19 ập đến với mức độ nghiêm trọng, lan rộng ngay đầu “mùa vàng” du lịch hè 2021 là điều doanh nghiệp không thể ngờ tới. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group khi ấy than: “Tôi cảm giác giống người nông dân trải qua ba vụ mùa mất trắng, tưởng rằng mùa này gặt được “thóc vàng”, thì thiên tai, dịch bệnh ập đến, đồng ruộng tan hoang, không còn hạt thóc nào để… mót. Thế là, bao nhiêu công lao chăm bẵm, đầu tư giống, phân bón… đều trở thành gánh nặng. Đau đớn và chua xót vô cùng!”.
Thực tế, không chỉ Lux Group, những doanh nghiệp còn tồn tại đều đã dành toàn bộ nguồn lực, đặt cọc hàng ngàn vé máy bay, phòng khách sạn để đón đầu mùa du lịch hè 2021. Nhưng Covid-19 lần thứ 4 khiến du lịch bất động, lữ hành lâm vào cảnh “cháy nhà tứ phía”.
Hơn 90% các đơn vị lữ hành phải đóng cửa kéo theo hàng chục ngàn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Các CEO du lịch đau đớn khi phải ra quyết định cho nhân viên nghỉ việc, hoặc khi những nhân viên vì thương ông chủ, vì không đủ kiên nhẫn nên đổi nghề.
Người làm du lịch bị đại dịch “đánh cắp” giấc mơ, nguồn sống. Họ quay cuồng trong cuộc mưu sinh để sinh tồn. Cảnh nhiều hướng dẫn viên phải chạy xe ôm, làm shipper, bán hàng online…, thậm chí các CEO nhanh nhạy cũng phải chuyển sang bán bia, kinh doanh thực phẩm, thiết bị y tế, làm nông nghiệp sạch… thật không thể ngờ tới.
Và hệ lụy ấy vẫn kéo dài đến tận bây giờ, khi ngành kinh tế xanh đã mở lại toàn bộ hoạt động tròn 1,5 tháng, bài toán tuyển nhân sự vẫn là nỗi đau đáu ở nhiều doanh nghiệp, khi không còn ai để tuyển. Trong khi, “lỗ hổng” nhân lực ngành du lịch không phải ngày một, ngày hai có thể khỏa lấp.
… đến tái sinh, hồi sinh
Có thể nói, Covid-19 đã khiến hầu hết các doanh nghiệp trở về con số 0, phải “khai sinh” lại để được tái sinh và hồi sinh cùng với sự bừng tỉnh của ngành kinh tế xanh, khi Việt Nam mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3.
Cùng với xu hướng phục hồi trên thế giới, việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3, giúp “mảnh đất hình chữ S” được đông đảo du khách quốc tế, nhất là các thị trường trọng điểm quan tâm. Theo dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights, từ đầu năm đến cuối tháng Ba vừa qua, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam (đối với hàng không và cơ sở lưu trú) đang tăng rất nhanh, được xếp vào nhóm tăng cao nhất trên thế giới, đạt trên 75%.
Triển vọng hồi phục của ngành kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn, dù theo các chuyên gia, lượng khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch, nhưng có thể xác định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã rơi vào 2021.
Theo Tổng cục Du lịch, 3 tháng đầu năm, Việt Nam phục vụ hơn 26 triệu lượt khách nội địa, hơn 22.000 lượt khách quốc tế. Riêng tháng 3, ngành công nghiệp không khói phục vụ 8,5 triệu lượt khách nội địa, 15.000 lượt du khách quốc tế.
Đặc biệt, 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngành kinh tế xanh đã đông vui trở lại, nhiều khách sạn “cháy phòng”, toàn ngành đón và phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 1,6 triệu lượt khách lưu trú. Công suất phòng tại những trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Lạt đạt trên 90%. Trong số đó, TP.HCM và Hà Nội có lượng khách vượt trội, Hà Nội phục vụ khoảng 200.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 560 tỷ đồng; TP.HCM phục vụ khoảng 250.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng.
Chia sẻ cảm xúc sau thời gian dài “chết lâm sàng”, CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài vỡ òa: “Mừng rớt nước mắt như hấp hối gặp được ôxy vậy! Doanh nghiệp lữ hành sống lại thật rồi! Khi các hoạt động kinh doanh hồi sinh, dòng tiền được lưu thông, tuy lợi nhuận gần như không có vì chúng tôi giảm giá kịch sàn để kích cầu và tri ân khách hàng, nhưng lại giữ được lực lượng nhân sự chủ chốt và sống sót”.
Tại VietSense Travel, sau “sự kiện lịch sử” của ngành du lịch ngày 15/3 đến nay, lượng khách trung bình đã đạt 30 - 40%, trong đó tuyến nội địa đạt 50 - 60% so với năm 2019. CEO VietSense Travel dự báo, sau 30/4, với chiến dịch biển hè, năm 2022, thị trường nội địa sẽ phục hồi 70 - 80%, outbound phục hồi trên 50%, còn thị trường inbound phục hồi từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 3, Lữ hành Saigontourist tổ chức thành công các chương trình du lịch MICE trong nước với hơn 13.000 khách. Riêng tháng 3, Công ty phục vụ hơn 80 đoàn MICE. Dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đơn vị lữ hành hàng đầu này phục vụ hơn 8.000 lượt khách và dự kiến phục vụ 30.000 - 35.000 lượt khách dịp nghỉ Lễ 30/4 sắp tới.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông, Lữ hành Saigontourist cho biết, kỳ nghỉ 30/4, du khách đặc biệt quan tâm đến các tour trọn gói nghỉ dưỡng, dịch vụ Free & Easy và dịch vụ lưu trú tại các resort cao cấp. Top 5 các điểm du lịch được chọn nhiều nhất là Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hạ Long.
Đối với tour nước ngoài, du khách có nhu cầu cao với các tuyến du lịch xa và ưu tiên lựa chọn những tour nước ngoài đến các quốc gia có chính sách mở cửa an toàn như Mỹ, châu Âu, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Australia, Maldives, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia… Trong tháng 4, Lữ hành Saigontourist đã phục vụ 18 đoàn đi Dubai, Singapore, châu Âu khởi hành từ Hà Nội và TP.HCM.
“Dựa trên đánh giá nhu cầu của thị trường, Lữ hành Saigontourist đã và đang triển khai tiếp các điểm đến hấp dẫn trên toàn quốc, hứa hẹn đón đầu các cơ hội phục hồi của du lịch. Đây được xem là thời điểm quan trọng để tạo nên “cú hích” cho sự phục hồi toàn diện của ngành du lịch trong nước, đồng thời sớm phục hồi du lịch nước ngoài và là bước chuẩn bị quan trọng đón đầu mùa du lịch quốc tế sắp tới”, bà Thanh Trà chia sẻ.
Đặc biệt, Covid-19 đã làm thay đổi tư duy phát triển ngành kinh tế xanh, khi hầu hết các địa phương, điểm đến đều sốt sắng, ưu tiên xây dựng các sản phẩm giàu tính trải nghiệm, bền vững. Sau quãng thời gian “ngấm đòn” Covid-19, ngành kinh tế xanh bất ngờ chứng kiến hàng loạt tour, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ như tour xe đạp, tour caravan (du lịch bằng xe tự lái), tour đêm tại các di tích, tour trực tuyến…
Góp sức cùng các địa phương, những “người khổng lồ” như Vinpearl, Sun Group cũng không ngừng gia tăng trải nghiệm cho du khách bằng những sản phẩm đón đầu xu hướng trên thế giới. Các kỳ nghỉ ngắn ngày, kỳ nghỉ trong thành phố (staycation), hay các trải nghiệm nghỉ dưỡng đặc thù như du lịch sức khỏe - wellness tourism, thể thao, khám phá, hội họp, gặp mặt gia đình... được “may đo” hoàn hảo nhờ thế mạnh dịch vụ khép kín trong hệ sinh thái của các tập đoàn này.
Trong đó phải kể đến Phú Quốc United Center (Kiên Giang) - hệ sinh thái giải trí hấp dẫn bậc nhất khu vực ra mắt tháng 4/2021; tour đêm tại Vinpearl Safari Phú Quốc ra mắt đầu năm 2022 của Vinpearl. Hay Cổng thời gian - nơi bắt đầu hành trình trải nghiệm thế giới siêu thực; Lâu đài Mặt trăng cùng loạt game ride đẳng cấp quốc tế; Thác Mặt trời với quần thể hơn 40 bức tượng vàng có chủ đề huyền thoại Hy Lạp do gia tộc điêu khắc lừng danh thế giới Frilli Gallery kiến tạo... tại Bà Nà Hills được Sun Group “trình làng”.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn trong nước, các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào bất động sản du lịch tại Việt Nam. Mới đây, tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới IHG Hotels & Resorts sở hữu 15 khách sạn tại Việt Nam công bố sẽ tăng gấp đôi số lượng khách sạn tại “mảnh đất hình chữ S” trong vòng 3 đến 5 năm tiếp theo. Nếu tính thêm 18 khách sạn mới đang phát triển, dự kiến đến năm 2027, IHG sẽ đưa vào hoạt động thêm hơn 6.000 phòng khách sạn.
Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành của IHG, khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc cho biết, mặc dù việc phục hồi sau đại dịch vẫn đang tiếp diễn và có sự khác biệt giữa các thị trường, nhưng ông tự tin rằng ngành du lịch tại Việt Nam đang hồi phục và sẽ bật dậy mạnh mẽ. Bởi theo dữ liệu STR, công suất phòng lưu trú của Việt Nam trong tháng 2 đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một thay đổi rất lớn.
Từ khi du lịch “mở toang”, hàng loạt hãng lữ hành đã khai sinh lại hoặc bổ sung nguồn lực để tái sinh, trở lại đường đua. Dẫu thời gian đầu, công việc kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng khi dòng tiền chuyển động không ngừng, doanh nghiệp du lịch sẽ sống khỏe và phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện 16/16 khu, điểm du lịch tại Đà thành đã mở cửa trở lại. 190 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe du lịch và 18/21 tàu du lịch đã hoạt động sẵn sàng đón khách. Trong 5 ngày từ 29/4 - 3/5, có khoảng hơn 400 chuyến bay đến Đà Nẵng, bằng với cao điểm năm 2019. Ngoài ra còn dòng khách đi xe cá nhân, khách tại chỗ, khách tại khu vực lân cận tăng mạnh.