Doanh nghiệp du lịch TP.HCM hiến kế hút du khách sau dịch Covid-19

Doanh nghiệp du lịch TP.HCM hiến kế hút du khách sau dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Ngành du lịch TP.HCM chiếm khoảng 1/3 lượng khách nội địa, ngành đang triển khai hàng loạt biện pháp nhằm thu hút 33 triệu lượt khách nội, với doanh thu trên 100.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn

TP.HCM là trung tâm du lịch với lượng khách quốc tế và nội địa luôn dẫn đầu cả nước nên cũng chịu thiệt hại nặng bởi Covid-19. Tổng thu du lịch tại TP.HCM năm 2020 chỉ đạt khoảng 84.500 tỷ đồng, giảm tới 40% so với năm 2019, song vẫn thấp hơn mặt bằng chung cả nước (58,7%).

Hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là các cơ sở dịch vụ đón nhiều khách quốc tế trước đây chưa thể lấp đầy công suất, tỷ lệ phòng trống còn cao.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để ngành du lịch TP.HCM đạt mục tiêu đã đề ra trong năm 2021, cần sự quyết tâm rất cao, đòi hỏi phải tiếp tục có sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, cùng sự đồng lòng, vào cuộc hưởng ứng đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội. Trong đó, TP.HCM cần đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại từ thị trường tới sản phẩm, định dạng một cấu trúc mới mà ở đó tận dụng được những yếu tố mang tính thời cơ như xu hướng đầu tư vào Thành phố, nhiều dự án công trình hạ tầng lớn đi vào hoạt động…

“Tổng cục Du lịch mong các sở, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ cùng ngành du lịch, chứ đơn phương ngành du lịch sẽ khó làm được”, ông Hà Văn Siêu nói.

Tương tự, ông Nguyễn Bình Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cũng cho rằng, để kéo ngành du lịch tăng trưởng trở lại, cần đến sự phối hợp của nhiều thành tố, đặc biệt là chủ trương của Thành phố. Theo đó, ông Minh kiến nghị triển khai chương trình tổng thể xây dựng TP.HCM là điểm đến an toàn, hấp dẫn, từ đó xây dựng niềm tin, kích thích sức mua của khách hàng.

Ngoài ra, TP.HCM cũng cần tổ chức cụ thể chương trình liên kết giữa hàng không, đường sắt và vận tải đường bộ, các đơn vị cung ứng dịch vụ, các đơn vị lữ hành và khách sạn, các điểm mua sắm... để triển khai gói kích cầu quy mô lớn phạm vi cả nước với các sản phẩm, dịch vụ có chính sách giá tốt thu hút du khách.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel khẳng định, hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam là Vietravel Airlines và các đơn vị thành viên Vietravel cam kết tham gia đồng hành cùng chương trình kích cầu du lịch TP.HCM.

Tìm thị trường ngách

Xác định du lịch nội địa là mũi nhọn, đại diện khách sạn Grand Saigon cho biết, bên cạnh việc tập trung khai thác khách nội địa thông qua những chương trình kích cầu của các sở, ngành, Grand Saigon sẽ chủ động xây dựng thêm nhiều gói sản phẩm kết hợp giữa dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hội nghị, giải trí... phù hợp và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo đó, khách sạn này sẽ đưa ra hàng loạt gói sản phẩm ưu đãi nhằm mang lại cho khách hàng những trải nghiệm thú vị tại một trong những khách sạn cổ nhất TP.HCM với kiến trúc Pháp từ năm 1930.

Bà Vũ Thị Thanh Hiền, Phó giám đốc Grand Saigon cho biết, điều đặc biệt của các gói sản phẩm này không chỉ là việc áp dụng giá ưu đãi, mà còn áp dụng các chính sách linh động phù hợp với nhu cầu thị trường như cho check-in trước 14 giờ, check-out sau 12 giờ, linh động về hình thức thanh toán, thay đổi hoặc hủy... để thích ứng kịp thời với nhu cầu của thị trường.

Ngoài các gói sản phẩm liên quan đến phòng ở, Grand Saigon còn muốn thu hút khách nội địa bằng cách tập trung vào ẩm thực.

Theo Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet của Australia, nếu chỉ có một quốc gia ẩm thực Đông Nam Á được coi là “tốt nhất trong những nước tốt nhất” thì đó chính là Việt Nam. Vì vậy, theo bà Hiền, việc phát triển kinh doanh ẩm thực không chỉ là việc nắm bắt xu hướng của thị trường, mà còn phát huy thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp trong ngành du lịch.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, do đó, nhiều doanh nghiệp dự báo từ năm 2021, lợi điểm này sẽ thu hút và tạo cơ hội cho du lịch cả khách nội địa và khách quốc tế tăng (các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng).

Để nhanh chóng tận dụng cơ hội nói trên, cũng như đẩy mạnh chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ông Trần Đoàn Thế Duy cho rằng, cần tập trung thúc đẩy phát triển ngành du lịch TP.HCM cả nội tại lẫn liên kết bên ngoài. Ví dụ, tạo điều kiện cho người dân Thành phố đi du lịch tại chỗ với những dịch vụ mới như du lịch sinh thái Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, du lịch đường sông Sài Gòn... các sản phẩm văn hóa về đêm.

Ngoài thu hút khách du lịch đại trà, đại diện Saigontourist cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành có thể hướng đến thị trường ngách, phân khúc dòng khách hội nghị hội thảo, khách có mức chi tiêu cao, khách hàng thân thiết.

Đại diện Saigontourist lấy ví dụ, doanh nghiệp có thể ưu đãi riêng, ưu đãi thêm cho phân khúc khách nội địa từ các địa phương, khách quốc tế đang làm việc, cư trú tại Việt Nam thường xuyên sử dụng thẻ thành viên của các hãng hàng không, các công ty du lịch, khách sạn cao cấp, các trung tâm thương mại tại thành phố.

Tin bài liên quan