Du khách quốc tế đã xuất hiện trở lại trên phố cổ Hà Nội.

Du khách quốc tế đã xuất hiện trở lại trên phố cổ Hà Nội.

Doanh nghiệp du lịch phố cổ Hà Nội hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
Sau thời gian dài “chết lâm sàng” vì Covid-19, từ ngày 15/3, hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu phố cổ Hà Nội đã dần phục hồi. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã sống lại.

Hồi sinh

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Vinh, chủ chuỗi 5 khách sạn tại khu phố cổ Hà Nội cho biết, các khách sạn 3 - 5 sao tại khu phố cổ phục hồi tốt. Từ tháng 3 đến tháng 6, lượng khách phục hồi thấp với khoảng 10 - 15% so với trước dịch. Từ tháng 6 đến nay, lượng khách đã phục hồi 30 - 50% so với năm 2019.

“Với đà phục hồi như hiện nay, có thể nói, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu phố cổ Hà Nội đã sống lại thật rồi”, ông Lê Vinh vui mừng cho biết.

Cũng theo ông Lê Vinh, khách sạn của ông chủ yếu đón khách quốc tế đến từ Đông Nam Á với các thị trường Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ. Trong đó, lượng khách Ấn Độ đã vượt so với năm 2019 và đang tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Do đó, doanh nhân này đã thiết kế riêng một khách sạn trên phố Nhà Thờ để đón khách Ấn Độ và kinh doanh nhà hàng ẩm thực Halal (thực phẩm dành cho tín đồ Hồi giáo).

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, tuy chưa sôi động như trước Covid-19, nhưng các cơ sở kinh doanh vốn phụ thuộc phần lớn vào khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế như cửa hàng đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, công ty bán combo du lịch hay các tiệm spa... đang dần nhộn nhịp trở lại. Những tấm biển rao bán nhà, cho thuê nhà rất hiếm, không như hồi năm ngoái.

Bà Lê Thị Hà, chủ kinh doanh trên phố Tống Duy Tân cho biết, từ khi du lịch mở cửa, các đoàn khách Tây tham quan đã liên tục đến phố ẩm thực này. Có thời điểm các nhà hàng, quán ăn ở đây đông kín khách, không còn một bàn trống.

Để tăng cường thu hút khách du lịch, chính sách visa cần phải được cải thiện ngay lập tức, như mở rộng miễn visa cho các thị trường chi tiêu cao, kéo dài thời gian miễn visa lên 30 ngày…

Là khu phố ẩm thực nên lượng khách du lịch thường tập trung ở đây đông hơn các khu khác. “Hiện tại, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ở quán đã đạt khoảng 95%, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào… Cùng với lượng khách nước ngoài, khách Việt Nam cũng ngày càng đông, thậm chí trời nóng, mọi người chấp nhận ngồi ban công bên ngoài. Doanh thu của quán đã ổn định trở lại sau những ngày dịch”, bà Hà cho hay.

Bóng dáng du khách xuất hiện ngày càng nhiều trên phố cổ cũng khiến ngành spa nhanh chóng phục hồi. Các spa của ông Lê Vinh tại khu phố cổ đã đạt lượng khách bằng khoảng 70 - 95% lúc chưa dịch, chủ yếu là khách nước ngoài.

Theo ông Vinh, thời điểm này tuy khách quốc tế đang tăng lên so với trước dịch, nhưng lượng khách nội địa lại “xuống dốc không phanh” do đã qua mùa du lịch hè, học sinh đã trở lại trường.

Mặt khác, thị trường châu Âu vốn là thế mạnh của chuỗi khách sạn của ông Lê Vinh trước Covid-19, thì nay gần như vắng bóng. Theo lý giải của vị CEO này, thì khách châu Âu đang chịu ảnh hưởng của lạm phát, cộng thêm ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, khoảng cách xa khiến giá vé máy bay và giá tour đắt đỏ, đặc biệt là việc xin visa còn nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian nên họ chưa đến du lịch Việt Nam.

Visa vẫn là điểm nghẽn chính

Đó là nhận định của ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam. Theo ông Thắng, hoạt động du lịch trong nước đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là vào mùa cao điểm hè. Còn mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam thường rơi vào giai đoạn từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Nguồn khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường chi tiêu cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia…

Chia sẻ về sự phục hồi khách quốc tế, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, mặc dù thị trường khách quốc tế đang dần hồi phục, nhưng tốc độ không đồng đều. Một số thị trường gần như Đông Nam Á tăng từ 30% đến 200%, trong khi các thị trường khách châu Âu tăng trưởng không như kỳ vọng. Riêng thị trường khách Trung Quốc vẫn rất thấp do nước này còn áp dụng chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Về vấn đề này, ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên phong Travel cho hay, mặc dù đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, nhưng khách đi du lịch thuần không nhiều, chủ yếu là khách đi thăm thân nhân hoặc kết hợp công tác. Đơn cử, khách Hàn Quốc được đánh giá là top 3 thị trường khách đến Việt Nam, nhưng nhiều người trong số họ là thăm thân, kết hợp công việc.

Phân tích nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam đi du lịch thuần túy không tăng như mong đợi, ông Khánh cho rằng, việc các đường bay và chuyến bay quốc tế chưa phục hồi như giai đoạn trước dịch, dẫn đến lượng vé khan hiếm, khiến giá vé một số đường bay thậm chí đắt gấp đôi so với thời điểm trước dịch, ảnh hưởng đến lựa chọn của khách. “Trước đây, giá vé từ Pháp sang Việt Nam tầm 900 euro, nhưng nay lên đến 1.300 - 1.400 euro. Vé đắt khiến du khách phải cân nhắc lịch trình”, ông Khánh dẫn chứng.

Để thu hút khách quốc tế, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, chính sách visa cần phải được cải thiện ngay lập tức, như mở rộng miễn visa cho các thị trường chi tiêu cao, kéo dài thời gian miễn visa lên 30 ngày…

Thậm chí, ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Mekong Rustic cho rằng, cần kéo dài thời gian miễn thị thực cho đối tượng khách nghỉ hưu có mức chi tiêu cao để họ đến Việt Nam nghỉ dưỡng 1 - 6 tháng.

Trong bối cảnh doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang ở giai đoạn hồi sức, họ cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng ít đến kiểm tra, thanh tra, phạt doanh nghiệp để yên tâm đầu tư phát triển dịch vụ, xây dựng sản phẩm, góp phần phục hồi nhanh ngành kinh tế xanh.

Tin bài liên quan