Sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn đã mang đến vị thế khác biệt cho du lịch Việt Nam. Trong ảnh: Khu du lịch Sun Word Ba Na Hills (Đà Nẵng)
1. Covid-19 ập đến, ngành du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất, Việt Nam không phải ngoại lệ. Từ tháng 3/2020, cả thị trường nội địa và quốc tế “đóng băng”. Covid-19 tái xuất nhiều lần làm tan hoang ngành kinh tế xanh, lần lượt hạ gục, đánh chìm các “con thuyền” lữ hành siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Đầu năm 2021, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa, hàng ngàn lao động ngành du lịch thất nghiệp, phải chuyển nghề để mưu sinh. Đặc biệt, “cơn đại hồng thủy” Covid-19 xuất hiện hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 với mức độ khốc liệt hơn, dài ngày hơn, khiến ngay cả những “ông lớn” vốn được coi là “thành trì thép” của ngành du lịch cũng phải chao đảo. Những đội tàu, du thuyền từ sang chảnh đến bình dân xếp hàng dài trên bến cảng, với nguy cơ phá sản. Thê thảm hơn là muốn bán tàu cũng không ai mua, cho dù đa số đã chấp nhận lỗ đến 50%. Không ai có thể ngờ, tàu có, vịnh đó, nhưng tất cả lại phải chôn chân “chờ chết” ở rìa bờ.
Khi Báo Đầu tư thực hiện loạt bài 5 kỳ “Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh”, từ Ban Biên tập đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên đều đồng cảm, đau đớn và chua xót cùng nỗi đau mà các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú đang phải chịu đựng. Trong vòng xoáy khó khăn, “cháy nhà tứ phía”, dẫu mạnh mẽ đến đâu, thì ngay cả những người làm du lịch kỳ cựu cũng không giấu nổi khuôn mặt phờ phạc, mái tóc bạc thêm vì mưu sinh, vì nợ nần và ánh mắt trông chờ sự hỗ trợ nhanh chóng, thiết thực từ Nhà nước.
Ngay sau khi loạt bài được đăng tải, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021; Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021, trong đó có nội dung hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức 3,71 triệu đồng/người, chi trả 1 lần cho người lao động đáp ứng các điều kiện hỗ trợ và có nguyện vọng được hưởng.
Đầu tháng 9/2021, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023. Thêm vào đó là giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Tiếp đến, Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế sở hữu “hộ chiếu vắc-xin” từ ngày 20/11/2021.
Nhờ những động thái quyết liệt này, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia mở cửa hoàn toàn ngành kinh tế xanh sớm nhất khu vực châu Á, từ ngày 15/3/2022.
2. Còn nhớ, ngay khi có thông tin Covid-19 xuất hiện, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch. Là tờ báo chuyên sâu về kinh tế, đầu tư, Tòa soạn liên tiếp đăng tải những bài đánh giá, phân tích chuyên sâu của các chuyên gia, doanh nghiệp về việc ứng phó với đại dịch, tác động của Covid-19 đến kinh tế - xã hội, giải pháp ứng phó, dự báo kịch bản…
Mỗi khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường ấm lên, Báo Đầu tư liên tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động. Cùng với đó là các chương trình kích cầu du lịch từ các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và doanh nghiệp.
Truyền thông nói chung, Báo Đầu tư nói riêng đã phát huy tối đa vai trò và ảnh hưởng của mình. Các chương trình truyền thông kích thích người dân chú ý, tìm hiểu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp nhu cầu, khả năng tài chính và quyết định “mở hầu bao”. Nhờ đó, du lịch nội địa đã phục hồi vượt mong đợt, thị trường du lịch quốc tế cũng đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Với tinh thần đồng hành và thấu hiểu, Báo Đầu tư liên tục thực hiện những chùm bài phỏng vấn các chuyên gia, doanh nhân ngành lữ hành, lưu trú để nêu lên khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm giúp ngành kinh tế xanh chuẩn bị kế hoạch phục hồi khi dịch được kiểm soát. Đặc biệt là làm thế nào để tận dụng cơ hội, bứt phá ngoạn mục, vượt lên những đối thủ trực tiếp trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Sự đồng hành của Báo Đầu tư trong gần 3 năm qua và cả giai đoạn trước dịch dành cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng đã góp phần thúc đẩy thị trường, gia tăng sự hiện diện và năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp, từ đó, gián tiếp góp phần phát triển kinh tế đất nước.
- Ông Lê Công Năng, CEO Wondertour
3. Đồng hành cùng doanh nghiệp và ngành kinh tế xanh trong những giai đoạn khốn khó nhất mới thấy, doanh nhân du lịch rất năng động, sáng tạo, bản lĩnh. Chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, nhưng du lịch không phải ngành được ưu tiên hỗ trợ. Xác định sống chung với đại dịch, nhiều CEO ngành du lịch phải chuyển nghề trong bão Covid-19 để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng, ngay cả khi phải làm nghề khác để mưu sinh, thì trong tâm bão, họ vẫn luôn bền bỉ chống đỡ, tái cơ cấu, đào tạo nhân sự, ứng dụng công nghệ và ra sức xây dựng những sản phẩm độc, lạ, hấp dẫn để bung ra ngay khi có cơ hội.
Nhờ đó, hậu Covid-19, ngành kinh tế xanh Việt Nam đã “đổi ngôi” ngoạn mục, từ một “thiên đường du lịch giá rẻ” trở thành “Điểm đến hàng đầu châu Á 2022” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2022” do Giải thưởng Du lịch Thế giới 2022 (World Travel Awards 2022) khu vực châu Á và châu Đại Dương trao tặng ngày 7/9.
Đặc biệt, cũng tại lễ trao giải năm nay, Việt Nam lần đầu tiên có doanh nghiệp du lịch được vinh danh Tập đoàn du lịch hàng đầu châu Á dành cho Sun Group - “cha đẻ” của hàng loạt công trình du lịch tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam đã thay đổi diện mạo và vị thế nhiều vùng đất.
Ông Graham Cooke, Chủ tịch World Travel Awards đánh giá: “Thập kỷ vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những phát triển khác biệt so với hầu hết các khu vực trên thế giới. Việt Nam đang thực sự từ một đất nước tiềm năng mới nổi có thể phát triển thành một quốc gia dẫn đầu”. Đặc biệt, sự đồng hành của những doanh nghiệp như Sun Group, VinGroup, BRG… đã góp phần đem đến vị thế khác cho du lịch Việt Nam. Họ đã không ngừng phát triển sân bay, cảng tàu riêng, chuỗi khách sạn 5 sao đẳng cấp, những khu nghỉ dưỡng hạng sang cùng nhiều điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe, công viên giải trí…
4. Là một trong những độc giả trung thành của Báo Đầu tư, ông Lê Công Năng, CEO Wondertour cảm kích: “Sự đồng hành của Báo Đầu tư trong gần 3 năm qua và cả giai đoạn trước dịch dành cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng đã góp phần thúc đẩy thị trường, gia tăng sự hiện diện và năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp, từ đó, gián tiếp góp phần phát triển kinh tế đất nước. Wondertour vinh hạnh và cảm ơn các nhà báo, phóng viên của Báo Đầu tư đã giúp chúng tôi cất lên tiếng nói của mình đến các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư… về nhiều vấn đề xoay quanh phát triển du lịch bền vững”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel nhận định: “Báo Đầu tư có rất nhiều bài viết chuyên sâu của các chuyên gia, phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành về các vấn đề lớn của ngành du lịch với tần suất dày đặc, rất hữu ích. Thông tin về tư vấn điểm đến, kinh nghiệm du lịch, tin tức du lịch, thì nhiều báo đã đăng tải, nhưng những bài chuyên sâu thì chỉ Báo Đầu tư làm được”.
Trong trạng thái bình thường mới, ông Đạt cho rằng, những bài phân tích của các chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành rất cần thiết, bởi còn rất nhiều vấn đề phải bàn, phải định hướng, phân tích kỹ lưỡng để đưa “con tàu” du lịch trở lại biển khơi.
Coi Báo Đầu tư là “món điểm tâm” không thể thiếu mỗi ngày, CEO Mekong Rustic Nguyễn Ngọc Bích bày tỏ: “Tôi đọc báo hằng ngày, nhất là những bài viết về du lịch và nhận thấy, những bài báo về ngành kinh tế xanh của Báo Đầu tư rất có chiều sâu, thậm chí cả những tờ báo, tạp chí chuyên về du lịch cũng không có độ sâu sắc bằng. Điều đó thể hiện, những nhà báo viết về du lịch của Báo Đầu tư là những người có tâm, đam mê, giỏi nghề, thì mới có được những góc nhìn đa chiều và đi đến tận cùng vấn đề như vậy”.
CEO Mekong Rustic đánh giá cao Báo Đầu tư trong gần 3 năm qua đã hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, cùng chung tiếng nói với doanh nghiệp. Thời gian tới, các doanh nghiệp du lịch mong muốn Báo Đầu tư có thêm nhiều diễn đàn và hoạt động khác làm cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà đầu tư, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để các bên hiểu nhau, cùng đưa ra và triển khai các giải pháp nhằm phát triển ngành kinh tế xanh Việt Nam bền vững.
“Những diễn đàn về đầu tư, kinh doanh nói chung, đầu tư vào lĩnh vực du lịch nói riêng là thế mạnh đặc biệt của Báo Đầu tư. Thực hiện những diễn đàn như vậy không chỉ giúp Báo nâng tầm vị thế, mà còn giúp doanh nghiệp thiếu vốn và nhà đầu tư chiến lược không tìm được dự án tốt gặp nhau để cùng bắt tay tạo ra những dự án, sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao cho nền kinh tế”, CEO Nguyễn Ngọc Bích trải lòng.