Doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển bền vững

Doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG (môi trường - xã hội và quản trị) cùng định hướng kinh doanh bền vững ngày càng được các doanh nghiệp du lịch chú trọng trong chiến lược phát triển toàn diện.

Thực hành nhiều tiêu chuẩn xanh

Bà Trần Ngọc Phương Hà, Giám đốc Truyền thông Công ty TNHH Image Travel & Events chia sẻ, doanh nghiệp đang thực hiện ESG theo tiêu chuẩn riêng dành cho công ty du lịch. Đó là bộ 146 tiêu chuẩn của tổ chức Travelife - một dự án dành riêng cho việc thúc đẩy các hoạt động bền vững trong ngành du lịch và lữ hành.

Tại môi trường làm việc chung, ngoài việc tạo không gian làm việc xanh, tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải nhựa, phân loại rác hợp lý tại nguồn…, Image Travel & Events còn tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các hoạt động thể dục - thể thao rèn luyện sức khỏe, hay câu lạc bộ ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng, có chính sách riêng hỗ trợ nhân viên đi xe đạp, xe buýt…

“Trong các tour, chúng tôi hướng đến trải nghiệm trong thiên nhiên, khuyến khích du khách đi bộ, xe đạp, xích lô… thay vì lên ô tô di chuyển giữa những địa điểm gần. Ngoài ra, du khách cũng được gợi ý xen lẫn vào tour một số hoạt động bảo vệ hoặc tái tạo môi trường, như nhặt rác, trồng cây…”, bà Hà chia sẻ.

Về mặt xã hội, doanh nghiệp này cũng tích cực hỗ trợ thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua việc khuyến khích du khách mua sản phẩm OCOP, nghỉ ngơi tại nhà người dân, giới thiệu những làng nghề truyền thống, những nét văn hóa chân phương cần được bảo tồn, gìn giữ…

Việc thực hành tiêu chuẩn xanh không còn là lý thuyết hay chuyện của tương lai. Giờ đây, với nhiều doanh nghiệp du lịch, phát triển xanh, kinh doanh bền vững, giảm phát thải là chiến lược toàn diện.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho hay, thực hiện ESG là hành trình dài hạn, đòi hỏi mỗi đơn vị phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng để cân bằng 3 yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Từ đầu năm 2024, Vietluxtour đã triển khai chương trình ESG bằng các hoạt động cụ thể như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn và tổ chức các tour du lịch kết hợp hoạt động trồng cây; ưu tiên hợp tác lâu dài với các nhà hàng, khách sạn đạt chứng nhận xanh.

Hành trình phía trước

Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com khảo sát 33.000 du khách trên toàn cầu cho thấy, có đến 80% du khách khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng. Khảo sát của YouGov tại 11 quốc gia cũng thông tin, 34% du khách “muốn du lịch bền vững hơn”.

Xu hướng du lịch bền vững đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Trần Ngọc Phương Hà, thì hành trình phát triển du lịch bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tiên, là khó khăn trong việc thay đổi nhận thức và thói quen của người Việt. Không phải du khách nào cũng cảm thấy vấn đề về môi trường, bảo tồn văn hóa là quan trọng.

“Một ví dụ nhỏ về thay đổi thói quen, đó là thay vì cung cấp chai nước (vỏ nhựa), chúng tôi đặt bình nước 20 lít ở trên xe, khách du lịch sẽ lấy nước vào bình cá nhân để uống. Việc này tưởng đơn giản, nhưng không phải tour nào chúng tôi cũng thuyết phục được đoàn cùng thực hiện. Có rất nhiều lý do được đưa ra để từ chối, như khách không có bình cá nhân, ngại lấy nước…”, bà Hà nói.

Tuy nhiên, theo đại diện Image Travel & Events, khó không có nghĩa là từ bỏ. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục thay đổi từng bước, từ nhân sự, đối tác đến khách hàng. Trước đó, Image Travel & Events đã cùng nhiều doanh nghiệp, tình nguyện viên xây dựng cộng đồng du lịch có trách nhiệm đầu tiên tại Việt Nam (Wafort) để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tăng sức lan tỏa trong phát triển du lịch bền vững.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp theo định hướng phát triển du lịch bền vững, ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho biết, Công ty sẵn sàng thực hiện, nhưng hiện chưa có bộ tiêu chí cụ thể, quy định chung để thực hiện theo đúng hướng.

Lãnh đạo Vietluxtour cũng chia sẻ, doanh nghiệp thực hiện bằng nguồn lực tự có thông qua việc tìm kiếm các chuyên gia để học hỏi; tự nghiên cứu các bộ tiêu chí riêng và chia nhỏ để dễ áp dụng… “Quá trình thay đổi tốn nhiều thời gian, trong khi nguồn kinh phí có hạn”, ông Nguyễn Ngọc An nói.

Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng, thời gian tới sẽ có các quy định, bộ tiêu chí cụ thể trong thực hiện ESG nói riêng và phát triển du lịch bền vững nói chung để ngành kinh tế xanh ngày càng “xanh” hơn. Đồng thời, hầu hết các đơn vị đang chuyển đổi xanh mong muốn tiếp cận nguồn vốn xanh với nhiều ưu đãi nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện.

Tin bài liên quan