Doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình kinh doanh quý III

Doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình kinh doanh quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 6.114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trả lời khảo sát của Tổng cục Thống kê, có 82,9% doanh nghiệp đánh giá tình hình quý III sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý II.

Trong tháng 6, cả nước có 15.700 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 143.000 tỷ đồng,tăng 19,1% về số doanh nghiệp và tăng 53,4% về vốn đăng ký. So với cùng kỳ năm trước, tháng 6 đã tăng 13,1% về số doanh nghiệp và tăng 3,1% về số vốn đăng ký.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 80.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,1% và 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 39.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 lên gần 119.600 doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm nay, có 71.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 28.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 10.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,4%. Bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo báo cáo khảo sát đối với 6.114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 79% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024 và 21% doanh nghiệp đánh giá hoạt động kinh doanh khó khăn hơn.

Trong quý II/2024, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 53,4% và 50,4%. Bên cạnh đó, “lãi suất vay vốn cao” là khó khăn mà doanh nghiệp đánh giá tăng nhiều nhất so với quý I/2024 (tăng 3,9 điểm phần trăm so với quý I/2024) với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 22,3%.

Đối với nhóm ngành dệt, may, da giày, hai khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong quý II/2024 là đơn hàng xuất khẩu và lao động có tay nghề.

Sang đến quý III, dự báo tình hình sẽ khả quan hơn quý II/2024 với 82,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định. Trong khi có 17,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

83,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý III/2024 sẽ tăng và giữ nguyên so với quý II/2024; còn 16,2% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Đối với đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2024 cũng khả quan hơn với 83,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý II/2024; 16,3% doanh nghiệp dự báo giảm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các quý tiếp theo, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đưa ra một số kiến nghị.

Đối với các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, để giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao cho doanh nghiệp, 50,1% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn cho sản xuất.

Đối với nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất, 44,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng và 30,5% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương phải ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Về lao động, 18,6% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất. Bên cạnh đó, 24,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic; 23,4% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất và 22,4% doanh nghiệp kiến nghị phải đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất.

Đối với thị trường đầu ra, để góp phần tăng khối lượng đơn hàng, 28,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước hiệu quả, tăng cường tuyên truyền để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, 26,1% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường trong và ngoài nước.

Về thủ tục hành chính, có 31,5% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, có 28,2% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và điều kiện vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh...

Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đưa ra thêm kiến nghị lớn.

Thứ nhất, các doanh nghiệp FDI kiến nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vì mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% là gánh nặng không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với sản phẩm trên thị trường, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tăng cường kiểm soát thị trường, giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn các sản phẩm chất lượng hơn, đồng thời doanh nghiệp cũng tiêu thụ được nhiều hàng hóa hơn.

Thứ ba, nhằm ổn định chất lượng nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến sử dụng nguyên liệu nông sản nói riêng, các doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn của vùng nguyên liệu, đặc biệt với các vùng cung cấp nguyên vật liệu nông sản.

Tin bài liên quan