Doanh nghiệp đóng cửa không có nghĩa là môi trường kinh doanh xấu

Doanh nghiệp đóng cửa không có nghĩa là môi trường kinh doanh xấu

(ĐTCK) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, do những tác động cả khách quan và chủ quan khiến doanh nghiệp có thể rút lui khỏi thị trường trong một lĩnh vực nhất định để chuyển hướng kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn.

Theo ông Đông, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường như chọn ngành nghề không phù hợp, gia nhập thị trường không đúng thời điểm, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả...

Trong nhiều trường hợp, chủ các doanh nghiệp rút khỏi thị trường để thành lập doanh nghiệp mới, với ngành nghề kinh doanh khác phù hợp, có triển vọng hơn. Do đó, cần có sự đánh giá một cách thấu đáo và khách quan diễn biến trên.

“Ý kiến cho rằng, doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều do môi trường kinh doanh chưa tốt là chưa chính xác. Thống kê hàng tháng trên trang web đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới luôn lớn hơn số doanh nghiệp giải thể, chứng tỏ môi trường kinh doanh đang cải thiện theo hướng thuận lợi hơn”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Cũng theo ông Đông, một trong những tín hiệu rất rõ cho thấy môi trường kinh doanh đang có xu hướng cải thiện tích cực là số lượng các kiến nghị trong chuyên trang thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ gần đây giảm mạnh so với trước.

Trang web này được Chính phủ mở riêng để phục vụ cho việc lắng nghe và tiếp nhận trực tiếp các kiến nghị, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh.

Trong thời gian đầu, chuyên trang nhận được rất nhiều kiến nghị và Chính phủ đã xử lý gần xong 830 kiến nghị trong vòng 2 tháng đầu. Gần đây, số lượng các kiến nghị đã giảm nhiều, có thể coi là dấu hiệu cho thấy môi trường kinh doanh đã bớt khó khăn và được cải thiện.

Đồng quan điểm, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital nhận xét, thời gian qua, Việt Nam nỗ lực cải thiện tính hiệu quả của môi trường kinh doanh và điều này đã được chứng minh bởi thứ hạng của Việt Nam trong các khảo sát của Ngân hàng Thế giới được cải thiện dần qua mỗi năm.

Tuy nhiên, theo ông Don Lam, để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, với số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng nhiều và thuận lợi, còn rất nhiều việc phải làm.

Trong đó, việc quan trọng nhất là gỡ bỏ các rào cản trong quy định, luật lệ và chính sách quản lý do sự chồng chéo, không rõ ràng, không hiệu quả, khiến doanh nghiệp bị tăng chi phí và giảm khả năng cạnh tranh.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thực tế có một số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vì môi trường kinh doanh trong lĩnh vực đó chưa thuận lợi, nhưng điều này chỉ xét trong phạm vi hẹp của một vài lĩnh vực. Đối với những trường hợp này, cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để sửa đổi, bổ sung chính sách kịp thời, nhằm gỡ bỏ rào cản cho các doanh nghiệp.

“Hiện tượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, ở nước nào cũng có, cần phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Chính phủ chỉ có thể biết khi doanh nghiệp phản ánh qua hiệp hội”, ông Đông nói.

Mặt khác, ông Đông cho rằng, ở tất cả các nước trên thế giới, môi trường kinh doanh liên tục thay đổi. Trong mọi môi trường kinh doanh, không có gì đảm bảo các doanh nghiệp tồn tại vĩnh cửu. Cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ của mọi chính phủ, là công việc phải làm thường xuyên, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.  

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2017 là 15.866 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 27.408 doanh nghiệp, tăng 21,5%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 6.608 doanh nghiệp, tăng 2,9%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 91,5% và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Cũng trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 72.953 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 690,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 22,2%. Bên cạnh đó, có 17.549 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan