Doanh nghiệp dồn lực cho sản xuất sau bão

0:00 / 0:00
0:00
Gần 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại những tỉnh, thành phố nơi bão Yagi đi qua đang tập trung khắc phục hậu quả, đưa hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường.
Doanh nghiệp dồn lực cho sản xuất sau bão

Tập trung ổn định sản xuất

Các nhà máy sản xuất hàng dệt và may mặc thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đã trở lại sản xuất ngay khi bão đi qua, với tâm thế khẩn trương để hoàn thành đơn hàng đã ký.

Đến thời điểm này, loạt nhà máy đóng tại Nam Định, gồm: Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định, Nhà máy Sợi Nam Định, May Nam Định, Dệt lụa Nam Định… đã quay trở lại sản xuất bình thường, không có sự cố về kỹ thuật xảy ra sau bão.

Tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ của Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 (Hưng Yên), hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường từ sáng 8/9. Tuy nhiên, theo Ban lãnh đạo Công ty, sản xuất chịu tác động trong ngày đầu do chất lượng điện lưới còn nhiều trục trặc, ảnh hưởng đến năng suất lao động, quy trình chạy máy của các dây chuyền.

Nhiều nhà máy sản xuất thuộc Vinatex đóng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chịu bão lớn, nhưng không bị thiệt hại về tài sản, thiết bị, hàng hóa nhờ chủ động phòng chống bão, bảo vệ tài sản, song gián đoạn về điện lưới khiến sản xuất phải tạm dừng trong một khoảng thời gian.

Đối với Tổng công ty May 10, sản xuất tại các nhà máy đều ổn định. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết: “May 10 đã chuẩn bị kịp thời các phương án phòng chống và ứng phó với siêu bão, giữ được an toàn về tài sản và người, duy chỉ có Xí nghiệp Veston Hưng Hà (Thái Bình) bị bay mái khu vực lò hơi, nhưng tất cả đã được xử lý xong để ổn định sản xuất”.

Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… là những địa phương có nhiều nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực điện tử và dệt may. Việc duy trì sản xuất liên tục có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người lao động, doanh nghiệp, mà còn cả nền kinh tế.

Nhà máy của Công ty TNHH LS Electric Việt Nam tại Bắc Ninh vẫn duy trì sản xuất bình thường kể cả trong 2 ngày bão và thực hiện ăn ở tại chỗ để đảm bảo an toàn cho người lao động. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, gần như toàn bộ công nhân đã trở lại làm việc trong điều kiện an toàn. Tại những nơi bị thiệt hại nặng nề do bão, doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục nhà xưởng, máy móc thiết bị để tiếp tục sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, toàn bộ nhà máy trong các KCN của địa phương đang hoạt động ổn định, đảm bảo tiến độ cho các đơn hàng đã ký.

Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ (Thái Bình) chia sẻ, nhờ khẩn trương dọn dẹp hiện trường cây đổ tại các nhà máy sau bão, gần 16.000 lao động trở lại các nhà máy sản xuất bình thường vào sáng ngày 9/9.

Hai địa phương chịu thiệt hại lớn bởi bão Yagi là Hải Phòng và Quảng Ninh đang khẩn trương phục hồi hệ thống điện, nước, viễn thông, trong khi doanh nghiệp đang tiếp tục tích cực khắc phục sự cố. Tính đến thời điểm hiện tại, có 90 - 95% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Hải Phòng đã sản xuất trở lại.

Hàng xuất khẩu sẽ giao đúng tiến độ

Sớm ổn định sản xuất sau bão, các doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa sản xuất kịp thời, giao hàng đúng hẹn cho đối tác nước ngoài, giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2024.

Các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, cùng các tỉnh, thành phố khác nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão.

Lực đẩy cho sản xuất tăng tốc là đơn hàng ký với các nhà nhập khẩu gần như đã kín, nhất là với ngành điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu nhóm công nghiệp chiếm trên 88%, trong đó các ngành hàng hồi phục mạnh.

Tăng trưởng cao nhất là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 46,325 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là điện thoại và linh kiện đạt hơn 37 tỷ USD, tăng 9,5%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 32,73 tỷ USD, tăng 21,8%; dệt may đạt hơn 24,3 tỷ USD, tăng 7,9%; giày dép đạt 14,9 tỷ USD, tăng 11,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,388 tỷ USD, tăng 22,3%...

Nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm “made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ, EU… đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam. Ông Michael Kokalari, Giám đốc bộ phận Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho biết, Việt Nam là một trong 3 quốc gia trên thế giới có mối liên kết chặt chẽ với Mỹ về mặt kinh tế. Mức tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Tin bài liên quan