Doanh nghiệp đồ uống rất mong được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện nghiên cứu tác động của Covid-19 tới ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống, nơi đang tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, từ đó nhận diện những khó khăn, đánh giá khả năng chống chịu của doanh nghiệp và kiến nghị một số chính sách liên quan để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nghiên cứu cho thấy, ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống, đặc biệt là ngành nước giải khát, đang chịu tác động nặng nề bởi Covid-19. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành giảm sút đáng kể trong năm 2020, với doanh thu toàn ngành giảm 8% so với năm 2019, trong đó riêng nước giải khát có mức sụt giảm doanh thu là 17%. Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh nghiệp nhà nước.
Để duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đồ uống đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch, dẫn đến chi phí tăng thêm rất nhiều. Chính vì vậy, lợi nhuận của toàn ngành đồ uống năm 2020 giảm tới 82% so với năm 2019, trong đó riêng ngành nước giải khát giảm tới 95%. Các doanh nghiệp tư nhân trong ngành nước giải khát chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức sụt giảm lợi nhuận gần 97%. Tổng tài sản của toàn ngành đồ uống năm 2020 giảm 16% so với năm 2019, trong đó tài sản của ngành nước giải khát giảm 28%, về gần mức tài sản của năm 2018.
Mặc dù các doanh nghiệp đã rất nỗ lực duy trì công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, song tác động của Covid-19 đã khiến số lượng lao động trong ngành nước giải khát giảm 4%, trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã phải cắt giảm 7% lao động. Cũng trong năm 2020, mức giảm về thu nhập trung bình của lao động trong ngành là 7% so với năm 2019.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho biết, tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp trong ngành đồ uống là tiêu cực và nghiêm trọng trong năm 2021. Có tới 45,83% số doanh nghiệp khảo sát cho biết, doanh thu năm 2021 tiếp tục giảm so với năm 2020. Về lợi nhuận, hơn 2/3 số doanh nghiệp cho hay, lợi nhuận vẫn giảm sâu. Kết quả này cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp tiếp tục bị suy yếu.
Theo nhìn nhận của các doanh nghiệp khảo sát, có 5 vấn đề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó nhu cầu và thị trường là 2 vấn đề chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh, tiếp theo là các vấn đề liên quan đến chi phí (chi phí logistics, chi phí chống dịch, chi phí duy trì nhà xưởng, văn phòng khi chính quyền thực hiện giãn cách…), khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và cuối cùng là khả năng nộp thuế của doanh nghiệp.
Để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, 79,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã lựa chọn áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí; 58,3% sẽ tạm dừng các kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh đồ uống; 41,7% doanh nghiệp sẽ thu gọn hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh đồ uống và 33,3% số doanh nghiệp được hỏi sẽ thực hiện cắt giảm lao động.
Mặc dù vậy, hầu hết các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch chỉ tập trung vào một số ngành, trong khi những ngành cũng chịu tác động nặng nề như ngành đồ uống, đặc biệt là nước giải khát lại không được xếp vào những ngành bị ảnh hưởng và hầu như không được hưởng những chính sách hỗ trợ. Ví dụ như gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thông qua giảm một số loại phí như Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 không có cơ chế riêng áp dụng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng.
Trước tình hình này, tại Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 6/5 vừa qua, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ xem xét đảm bảo sự ổn định về chính sách, nhất là các chính sách về thuế, phí trong thời hạn ít nhất là 5 năm tới, không mở rộng đánh thuế mới theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp đồ uống, đặc biệt là đồ uống không cồn đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.
Đặc biệt, Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng do độ co giãn của cầu theo giá, việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, mức đóng góp thuế và cơ hội việc làm của người lao động. Vì vậy, việc tăng thuế hoặc bổ sung các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, tăng khả năng lạm phát, trong khi có thể không giúp tăng thu ngân sách.
Bên cạnh đó, ngành nước giải khát cũng cần được bổ sung vào danh sách những ngành bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai và mở rộng đối tượng được thụ hưởng các gói hỗ trợ về vốn và thanh khoản, về thuế và phí, về lao động, việc làm và an sinh xã hội... đã ban hành, đồng thời tiếp tục ban hành các chính sách và chương trình hành động nhằm tạo thuận lợi và tháo gỡ các khó khăn để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, từng bước phục hồi, phát triển. Mở rộng và cung cấp thêm các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các dịch vụ về đào tạo lao động, thông tin thị trường.