Cấm kinh doanh nước ngọt có ga trong trường học
Chỉ thị 46 đã chỉ ra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, chiếm tới 24,6% dân số, trong khi đó, tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm.
Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, cho người lao động, người bệnh và người cao tuổi chưa được quan tâm đầy đủ. Theo thông tin từ Chỉ thị 46, kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 còn nhiều hạn chế, mới tập trung chủ yếu vào phòng, chống suy dinh dưỡng, nhiều chỉ tiêu quan trọng khác chưa đạt.
Để thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe của người dân thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường; tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh.
Đặc biệt, Chỉ thị nêu rõ: “Không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học”.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, quy định tại Chỉ thị 46 vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa hạn chế tình trạng béo phì đang gia tăng ở trẻ nhỏ.
“Trên thị trường có mấy chục doanh nghiệp kinh doanh nước ngọt có ga, gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Sau chỉ thị này, thị trường sẽ có những xáo trộn nhất định khi các doanh nghiệp thay đổi chiến lược tiếp cận đối tượng bán hàng theo hướng bán đúng chỗ và đúng lúc”, ông Phú nói.
Thị phần của các doanh nghiệp kinh doanh nước có ga có thể cũng sẽ có thay đổi. Theo báo cáo của Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát, thị phần ngành nước giải khát hiện do Coca Cola chiếm lĩnh trên 41% thị phần, PepsiCo khoảng 22,7% trong khi Tân Hiệp Phát là 25,5%, còn lại thuộc về các cơ sở nhỏ lẻ khác.
Doanh nghiệp đồ uống chuyển hướng
rao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang đa dạng hoá sản phẩm và chiến lược quảng cáo bán hàng không nhắm đến trẻ dưới 12 tuổi.
“Chúng tôi cũng nhận ra rằng không phải ai cũng ưa dùng sản phẩm nước có ga. Chúng tôi đã và đang sáng tạo ra nhiều loại thức uống khác nhau nhằm phục vụ cho nhiều khách hàng hơn như nước đóng chai, nước trái cây, sữa trái cây, nước bù muối và khoáng…”, đại diện Coca - Cola cho hay.
Hãng này cũng cam kết minh bạch thông tin về lượng đường và năng lượng của sản phẩm trên bao bì sản phẩm.
Pepsico cũng chuyển hướng sang tập trung vào đối tượng khách hàng là những thanh niên trẻ tuổi, năng động. Hiện doanh nghiệp này đang chú trọng đẩy mạnh chiến dịch cho sản phẩm Pepsi muối và các sản phẩm ngày Tết. Trong khi đó, Tân Hiệp Phát đang tập trung quảng bá các sản phẩm thế mạnh của mình là trà thanh nhiệt, giải độc…
Bức tranh kinh doanh ngành nước ngọt có ga tại Việt Nam trong thời gian tới được nhận định sẽ có nhiều thay đổi khi bị hạn chế ở nhóm khách hàng trẻ em - học sinh. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ gia tăng độ phủ điểm bán hàng, mở rộng đối tượng khách hàng mới.
“Doanh nghiệp có tâm là doanh nghiệp có ý thức phát triển doanh nghiệp gắn với phát triển sức khỏe của cộng đồng, nên tôi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 46, doanh nghiệp vẫn phát huy được thế mạnh của mình khi chọn chiến lược đúng và trúng không bị ảnh hưởng sụt giảm doanh số”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay.