Đây là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại Diễn đàn chuyển đổi số - cơ hội, thách thức của phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 15/10.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định: “Chuyển đổi số và thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong đại dịch. Đứng trước những khó khăn và thách thức của thời đại 4.0, Covid-19 trở thành “cú huých” lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành để thích ứng và tồn tại với thời cuộc”.
Điển hình, đại dịch đã thúc đẩy những người nông dân Bắc Giang phải có hành động mạnh mẽ để tự mình “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, lần đầu tiên các khách hàng được chứng kiến gia đình chị Đỗ Thị Vân livestream dài 40 phút bán tổng cộng 8 tấn vải thiều trên sàn thương mại điện tử Sendo phối hợp cùng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) hợp tác tổ chức ngày 6/6 vừa qua.
Riêng đối với phụ nữ, ông Dũng cho rằng: "Có lợi thế hơn khi triển khai thương mại điện tử bởi người phụ nữ khi thực hiện nội dung quảng bá sản phẩm trên nền tảng công nghệ thân thiện, nhẹ nhàng, tình cảm… hơn nam giới”.
Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến |
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam không đứng ngoài chương trình chuyển đổi số của quốc gia: “Với trên 50% số hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thương mại điện tử, phụ nữ đóng góp quan trọng và trở thành một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam - một quốc gia với 70% dân số sử dụng internet”.
Ông Vương Anh Đức, Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ và sản phẩm, Công ty Galaxy One, Tập đoàn Sovico cho biết, một khảo sát của công ty về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy: “Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin, điều hành, sản xuất, kinh doanh chỉ ít hơn một chút so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ nhưng hiệu quả lại cao hơn”.
Báo cáo “Chỉ số Nữ doanh nhân 2020” (MIWE 2020) của Mastercard công bố năm 2021 cho biết, phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đạt được những tiến bộ đáng ngưỡng mộ trong kinh doanh.
Philippines, Thái Lan, Việt Nam và New Zealand lần lượt xếp ở vị trí thứ 2, 6, 9 và 10 về “Kết quả tiến bộ của phụ nữ”, đo lường sự tiến bộ cũng như mức độ thiệt thòi về kinh tế và nghề nghiệp với tư cách là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia, doanh nhân và những người tham gia vào lực lượng lao động.
Tuy vậy, ông Đức cho biết, không nên chỉ là nói "tôi mong muốn chuyển đổi số" mà phải rõ ràng mục đích, lộ trình và doanh nghiệp đã sẵn sàng chưa?
Đồng quan điểm này, ông Dũng cho rằng: “Không nên chỉ thể hiện bằng lời nói mà phải “quay” 360 độ quanh việc chuyển đổi số”.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, do đại dịch khiến năm 2020 chứng kiến nhiều khó khăn bủa vây và 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ Covid-19.
“Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp những khó khăn trong quá trình tham gia chuyển đổi số, đó là tiếp cận về nguồn vốn; không có nhân sự phù hợp triển khai quảng bá sản phẩm, chụp ảnh, cập nhật nội dung thông tin; quan ngại về nguy cơ tấn công mạng và rủi ro thanh toán online”, ông Đức bổ sung thêm thông tin.
Theo bà Julienne Loh, Phó chủ tịch Điều hành phụ trách Quan hệ đối tác Doanh nghiệp, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mastercard, đại dịch đã cho thấy rõ sức mạnh và khả năng vững vàng của phụ nữ khi phải đối mặt với nghịch cảnh, cũng như tiềm năng to lớn của họ. Đây hiện vẫn đang là thời điểm rất mong manh và các chính phủ, các tổ chức kinh doanh và dịch vụ tài chính cần cùng nhau thực hiện 3 vấn đề để tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Thứ nhất là cung cấp hỗ trợ có hệ thống và các chương trình giúp phụ nữ tồn tại và phát triển trong cuộc sống bình thường mới;
Thứ hai là trang bị cho họ các kỹ năng để điều hướng thế giới kỹ thuật số;
Thứ ba là nuôi dưỡng một hệ thống dịch vụ tài chính công bằng, dễ tiếp cận nhằm hỗ trợ công việc và tinh thần kinh doanh của phụ nữ.
“Những khoản đầu tư này không dễ thực hiện, song nếu thực hiện thành công có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể không chỉ phụ nữ mà còn cho toàn xã hội”, bà Julienne Loh nêu quan điểm.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 nhằm mục đích hỗ trợ và tôn vinh những phụ nữ khởi nghiệp có những sáng kiến xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và áp dụng công nghệ đã được diễn ra với sự tham gia của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và nhiều lãnh đạo của các cơ quan chính phủ.
Được biết, chương trình nhận được sự tham gia và hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành công nghiệp và dịch vụ đã có truyền thống tuyển dụng và tôn vinh phụ nữ như Home Credit, Sovico, SeaBank và Unilever.
Home Credit trao giải thưởng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 |
Chia sẻ tại sự kiện, bà Annica Witschard, Tổng giám đốc Công ty Home Credit Vietnam cho biết: “Là một phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh doanh, tôi rất khâm phục và thấu hiểu những khó khăn, thách thức của phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam. Vì vậy, đây thực sự là một chương trình có ý nghĩa mà Home Credit vinh dự được tham gia. Thông qua việc đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong chương trình này, chúng tôi mong muốn giúp phụ nữ có được được những cơ hội kinh doanh và làm chủ trong cuộc sống.”
Danh sách giải thưởng và doanh nghiệp phụ nữ khởi nghiệp do Home Credit đồng hành như sau:
Giải Sáng tạo (Trị giá 120 triệu đồng/giải)
Dự án: Hoa Ốc; Cá nhân/Tổ chức: Trần Thị Ngọc Hiếu
Lĩnh vực: Dù cơ thể không được lành lặn, song với nghị lực phi thường, chị Trần Thị Ngọc Hiếu đến từ thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra những sản phẩm hoa ốc vô cùng độc đáo, nghệ thuật làm mê hoặc lòng người
Giải Chắp cánh tài nguyên bản địa (Trị giá 100 triệu đồng/giải)
Dự án: Sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau
Tổ chức: Hợp tác xã nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam
Lĩnh vực: Sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau. Từ chiếc bẹ cau, chị Phan Vũ Hoài Vui đến từ Quảng Nam đã tạo ra nhiều sản phẩm xanh, không chỉ được đón nhận tại Việt Nam, mà còn thu hút nhiều thị trường quốc tế.
Giải Triển vọng (Trị giá 60 triệu đồng/giải)
1. Dự án: Enosta; Tổ chức: Công ty TNHH Enosta
Lĩnh vực: SMARTOS – nền tảng tích hợp quản lý không gian làm việc. Chị Nguyễn Phương Dung đến từ Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ số trong kết nối cung cầu về không gian làm việc
2. Dự án: Trồng nho sạch; Tổ chức/Cá nhân: Nguyễn Thị Nhài
Lĩnh vực: Chị Nguyễn Thị Nhài đã kết hợp thành công mô hình du lịch - nông nghiệp thông qua trang trại trồng nho sạch tại tỉnh Vĩnh Phúc
3. Dự án: Trồng cây nông nghiệp công nghệ cao; Tổ chức/Cá nhân: Nguyễn Thị Như
Lĩnh vực: Chị Nguyễn Thị Như đến từ Bắc Giang đã áp dụng công nghệ trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm dưa vàng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Giải Vì cộng đồng (Trị giá 40 triệu đồng/giải)
Dự án: May gia công công nghiệp túi siêu thị xuất khẩu; Tổ chức/Cá nhân: Nguyễn Thị Sâm
Lĩnh vực: Chị Nguyễn Thị Sâm đến từ Thanh Hóa luôn thấu hiểu, đồng cảm và tạo việc làm cho những người không may mắn tại địa phương, đồng thời, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.