Doanh nghiệp dính bẫy tin đồn: Thiệt đơn, hại kép

Doanh nghiệp dính bẫy tin đồn: Thiệt đơn, hại kép

Rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị dính bẫy tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và ảnh hưởng đến cả môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

DN tự bảo vệ mình là một lẽ, nhưng cũng cần cả chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vào cuộc.

Câu chuyện bắt đầu từ hơn 3 tháng trước đây, khi tin đồn Công ty TNHH Bia Huế dùng chất chống say, có chất tiêu diệt tinh trùng, gây hại cho sức khỏe… để sản xuất bia rộ lên. Rất nhiều tin đồn khác nhau và những tin đồn ấy, như một vệt dầu loang, cứ thế lan đi. Và tất nhiên, bất cứ tin đồn nào cũng để lại hậu quả. Với các DN, hậu quả càng nặng nề hơn. Nó nặng nề đến nỗi, chính ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Bia Huế, phải lên tiếng than rằng, có những thời điểm, cả tháng, Bia Huế không bán được hàng. Sản lượng bia bán ra ở Quảng Bình, Quảng Trị cũng sụt giảm tới trên 20%...

Vào thời điểm tin đồn lan rộng nhất, Bia Huế đã phải lên tiếng xác minh sự thật. Nhưng có lẽ, sức nặng chỉ thực sự đến khi kết thúc tuần làm việc đầu tiên của tháng 9/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi một văn bản khá đặc biệt đến các sở, ngành, các cơ quan truyền thông của địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu là người ký văn bản này. Ông Lưu, với tư cách là người lãnh đạo của tỉnh, đã yêu cầu các sơ, ngành nắm rõ để có thông tin chính thống cho địa phương, cơ quan mình về việc không có chuyện Bia Huế được bán cho Trung Quốc. Rằng, sau khi chuyển nhượng, Carlsberg đã có kế hoạch giao cho Bia Huế tiếp tục nâng công suất theo kế hoạch, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường mới…

Không chỉ yêu cầu làm rõ thông tin, ông Lưu cũng đã yêu cầu phải kiểm tra, xử lý kiên quyết việc tung tin, việc tuyên truyền tin đồn thất thiệt cạnh tranh không lành mạnh của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nhất là khi sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, có rất nhiều cơ hội để các tin đồn như vậy được “dung dưỡng”. Công ty Tân Hiệp Phát cũng từng dính tin đồn sản phẩm bị vẩn đục, đóng cặn. Và có lẽ, cũng nên nhắc lại câu chuyện của Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cách đây chưa lâu. Đầu năm nay, SEV cũng “khóc dở mếu dở” khi những thông tin kiểu như “do ảnh hưởng của sóng điện từ tại nơi làm việc, nên cả nam và nữ công nhân đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản”, lan truyền. Không chỉ là tin đồn, thậm chí đã có tờ báo viết hẳn phóng sự về vấn đề này. Vì thế, cũng đã có những công nhân bỏ việc, nhiều công nhân khác hoang mang, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty.

SEV, với kinh nghiệm của một tập đoàn hàng đầu thế giới, rất nhanh chóng làm rõ thông tin bằng cách mời các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra bức xạ và bức xạ i-on để xác nhận lại các chỉ số điện từ trường và phóng xạ tại nơi sản xuất. Kết quả là, tất cả đều đảm bảo tiêu chuẩn cho phép và không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của công nhân làm việc tại Công ty. Tất cả những thông tin nói trên và tin đồn là sai lệch và không có căn cứ khoa học.

Vào thời điểm đó, chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ của Samsung không nén nổi cái lắc đầu ngán ngẩm. Theo vị này, những tin đồn như vậy đáng lẽ nên được làm rõ và ngăn chặn ngay từ địa phương, không nên để lan truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông rồi để mặc nhà đầu tư phải tự lo liệu, xoay xở.

Cũng thật may mắn, sau đơn “kêu cứu” của SEV, đầu tháng 3/2012, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã có những hành động tương tự UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Họ cũng đã có văn bản gửi cơ quan chức năng địa phương yêu cầu làm rõ những thông tin thiếu cơ sở khoa học, thậm chí đã có cả văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý và chấm dứt tình trạng đưa tin không chính xác, chưa có bằng chứng khoa học…

Giờ là lúc cần lấy lại niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư và DN, vì thế, DN tự bảo vệ mình đã đành, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc. Và nữa, các cơ quan truyền thông có lẽ cũng cần tỉnh táo hơn khi đưa thông tin.