Trong cơ cấu sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm tới 80%

Trong cơ cấu sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm tới 80%

Doanh nghiệp điện tử nội loay hoay “tìm cách lớn”

(ĐTCK) Câu chuyện gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) nội địa và DN nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành công nghiệp điện tử nói riêng vẫn là nút thắt chưa được tháo gỡ, khiến các DN này đến nay chưa thể bứt phá.

Là một trong số không nhiều DN nội địa có đủ năng lực sản xuất để đáp ứng các yêu cầu của các nhà sản xuất nước ngoài và tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài, song ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng giám đốc CTCP Hanel vẫn thường trăn trở với câu hỏi mà bản thân ông cũng như hầu hết hết DN trong ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa tìm được lời giải, đó là tại sao đến nay vẫn chưa thể bứt phá, dù đã phát triển được hơn 3 thập kỷ kể từ khi làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, trong khi cùng xuất phát điểm, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay một số quốc gia trong cùng khu vực chưa tới 20 năm đã có thể tạo dựng một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh?

Theo ông Vinh, hiện tại, đa phần DN Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

“Để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện cho các tập đoàn nước ngoài, chẳng hạn như bản vi mạch điện tử, thì một DN trong nước cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể phải tiếp cận kịp thời các công nghệ mới nhất. Nếu không được đảm bảo đầu ra, DN sẽ rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản”, ông Vinh nói.

Cũng theo vị này, phần lớn DN phụ trợ trong nước đều là các DN nhỏ và vừa, nên việc tìm được nguồn vốn lớn như vậy để đầu tư là vô cùng khó khăn.

“Do vậy, vấn đề mấu chốt là phải có mối liên kết chặt chẽ giữa DN nội địa và DN FDI, cũng như sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng mối liên kết này”, ông Vinh nhìn nhận.

Chia sẻ về việc tạo dựng mối liên kết giữa các DN, bà Vũ Thị Thanh Huyền, Giảng viên Trường Đại học Thương mại cho biết, sự gắn kết giữa các DN trong ngành công nghiệp phụ trợ hiện rất thiếu và yếu.

Theo bà Huyền, DN trong nước có thể tự làm ra sản phẩm, nhưng không biết có thể thử nghiệm sản phẩm đó ở đâu, tham gia vào tầng nấc nào của chuỗi cung ứng? Chẳng hạn, trong ngành công nghiệp điện tử vốn được xác định là ngành then chốt của nền kinh tế và được Chính phủ chú trọng hỗ trợ phát triển, song đến nay, các DN nội địa vẫn chỉ dừng ở mức cung ứng bao bì, vật liệu, phụ tùng nhựa, kim loại... là những sản phẩm có giá trị thấp, trong khi phần lớn linh kiện, phụ tùng giá trị cao đều phải nhập khẩu.

“Điều này cho thấy, các DN nội vẫn chưa thể hấp thụ và nắm bắt cơ hội kinh doanh tiềm năng. Đây chính là bài toán nan giải hiện nay”, bà Huyền nói.

Trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Cao Bảo Anh, chuyên viên Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, do thiếu chiến lược dài hạn nên thị trường điện tử Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng.

“Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất nước ta hiện nay vẫn là các mặt hàng điện tử dân dụng như các thiết bị nghe nhìn, phương tiện giải trí... Trong cơ cấu sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, điện tử dân dụng chiếm tới 80%, với doanh thu chiếm 30% tổng doanh thu toàn ngành.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm của các DN Việt Nam còn yếu, nên hầu hết chỉ thực hiện gia công sản phẩm, mà chưa thực hiện được các công đoạn ‘chế biến sâu’ trong chuỗi giá trị ngành”, ông Bảo Anh nói.

Để khắc phục những hạn chế này và xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa các DN trong nước và DN FDI, vị chuyên viên này cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các DN trong nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực công nghệ để có thể tiếp cận được với các sản phẩm mang tính kỹ thuật cao của các DN nước ngoài. Đồng thời, sẽ tạo dựng những kênh để giúp các DN nội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, làm quen được với những thông lệ quốc tế... để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng. 

Cần nhiều chính sách hỗ trợ để DN nội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Đối ngoại Công ty Samsung Việt Nam

Để DN Việt Nam có thể kết nối được với DN FDI, các DN nội phải tự cải thiện quy trình sản xuất, công nghệ và kỹ thuật, cần mời chuyên gia tư vấn đã từng làm việc tại DN FDI về làm cố vấn cho mình để có thể học hỏi kinh nghiệm về quản lý, công nghệ... Đặc biệt, cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn để các DN này tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tin bài liên quan