Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, thu xếp đủ vốn đầu tư là một trong những thách thức lớn nhất của ngành điện hiện nay. Mục tiêu tại Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tới năm 2030 là phải đạt được 130.000 MW điện, tương đương mỗi năm nguồn điện phải được bổ sung khoảng 7.000 MW.
Để thực hiện được mục tiêu này, ước tính tổng vốn đầu tư vào khoảng 110 tỷ USD, tương đương bình quân 11 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn, đặc biệt là tại các dự án lớn, do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn.
“Hiện nay, nguồn vốn ưu đãi ODA nước ngoài để đầu tư các dự án điện rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.
Trong khi đó, việc thu xếp các nguồn vốn trong nước cũng rất khó khăn do hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Trong điều kiện này, nếu không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, các dự án nhà máy điện sẽ không vay được vốn tín dụng xuất khẩu của các nước cung cấp thiết bị, phải chuyển sang vay vốn thương mại với lãi suất cao, thời gian vay ngắn, khiến hiệu quả đầu tư của các dự án giảm sút, chậm tiến độ”, ông Ngãi nói.
Bên cạnh đó, sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng… cũng khiến việc chuẩn bị đầu tư của các doanh nghiệp điện gặp bị kéo dài, đặc biệt là vướng mắc trong xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án công nghiệp điện thuộc nhóm A, giá trị từ 2.300-5.000 tỷ đồng, đang khiến nhiều dự án “dậm chân tại chỗ”.
Theo số liệu thống kê từ ngành điện, hiện nay, hầu hết dự án trong quy hoạch điện VII điều chỉnh chủ yếu là dự án nhiệt điện than đều bị chậm tiến độ 2-4 năm.
Giai đoạn 2019-2023, các nguồn điện dự kiến hoàn thành theo quy hoạch là 37.700 MW, trong đó có 30 dự án nhiệt điện than, khí với tổng công suất khoảng 28.800 MW.
Nhưng đến nay, mới có 8 dự án nhiệt điện với tổng công suất 8.460 MW được triển khai xây dựng nên khó có khả năng hoàn thành trong 5 năm tới.
Theo các doanh nghiệp, đây là nguyên chính dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ chỗ có dự phòng khoảng 20% trong giai đoạn 2015-2017, đến nay hầu như không còn và sang giai đoạn 2021-2025 có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn điện.
Đặc biệt, lo ngại nhất hiện nay là vấn đề nguồn cung khí và dầu cho phát điện để bù đắp cho thủy điện - nguồn điện chủ lực lâu nay của Việt Nam, đang gặp bất lợi bởi tình hình thủy văn không ủng hộ, trong khi nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư xây dựng nhưng vướng giải tỏa công suất do thiếu hệ thống truyền tải.
Để đảm bảo cung ứng điện, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu điện tương đương lượng nhập của năm 2019 là khoảng 2,1 tỷ kWh từ Trung Quốc và hơn 1 tỷ kWh từ Lào…
Đáng chú ý, Việt Nam sẽ phải huy động tới gần 3,4 tỷ kWh điện từ nguồn chạy dầu với giá thành cao.
Đã có những tính toán cho rằng, với tổng lượng điện thương phẩm năm 2019 là trên 200 tỷ kWh, lượng điện thương phẩm nhập khẩu thấp hơn nhiều so với kế hoạch nhập khẩu 3% vào năm 2020.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không tăng lượng điện nhập khẩu lên tương đương mức 3% trong kế hoạch, thay vì phải huy động điện chạy dầu vừa có giá thành cao, vừa tăng phát thải ra môi trường?
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia lĩnh vực điện cho rằng, để nhập khẩu điện là không đơn giản, bởi cần có thời gian xây dựng hệ thống đường dây đấu nối, vốn đầu tư…
Liên quan đến đề xuất phát triển nhiệt điện than, tại Hội nghị Tổng kết ngành công thương tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần phải ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Đối với các dự án điện than, nếu phát triển thêm có thể sẽ nhận phản ứng trái chiều từ dư luận.
“Những dự án năng lượng tái tạo hiện nay ở Ninh Thuận, Bình Thuận chưa giải tỏa được công suất, cần thiết thí điểm cho tư nhân làm cả đường dây truyền tải”, Thủ tướng gợi ý.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cam kết khắc phục các tồn tại để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không để xảy ra thiếu điện.
Trước mắt, ngành sẽ tập trung hoàn thành Quy hoạch điện VIII, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, bảo đảm cân đối nguồn và lưới điện; tích cực phối hợp cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giải quyết vướng mắc cho các dự án điện đang triển khai, đưa các dự án này sớm đi vào hoạt động.